Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Vụ lúa đông xuân được mùa, được giá

09:26, 26/02/2018

Ngay sau Tết, người dân huyện Cư M’gar đã nhanh chóng gác lại không khí vui xuân để tập trung thu hoạch vụ lúa đông xuân. Trên khắp các cánh đồng ở các xã Quảng Hiệp, Cư M’gar, Ea Mnang…, bà con vui mừng thu hoạch lúa trong niềm phấn khởi được mùa, được giá, thời tiết nắng nóng thuận lợi cho việc phơi lúa.

Tại những thửa ruộng bằng phẳng, rộng lớn, nông dân huyện Cư M’gar đã sử dụng máy gặt đập liên hoàn, giúp tiết kiệm, thời gian, công sức trong quá trình thu hoạch. Những thửa ruộng nhỏ hoặc ruộng bậc thang dốc đứng, máy gặt đập liên hoàn không đến được như ở ruộng buôn Bling, buôn Húk (xã Cư M’gar), ruộng bậc thang đồi Cư H’lâm (thị trấn Ea Pốk), bà con vẫn gặt theo cách thủ công nên tốn nhiều thời gian và công sức hơn.

Chuyển lúa từ ruộng bậc thang về máy tuốt ở buôn Bling (xã Cư M’gar).
Chuyển lúa từ ruộng bậc thang về máy tuốt ở buôn Bling (xã Cư M’gar).

 

Hiện giá lúa được các thương lái mua tại nhà dân trên địa bàn huyện Cư M’gar dao động từ 5.800 - 7.200 đồng/kg. Cụ thể, lúa Tạp Giao có giá từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; lúa Vật Tư từ 6.000 - 6.300 đồng/kg; lúa Nàng Hương, Tám Thơm từ 7.000 - 7.200 đồng/kg...

Những năm trước, bà con thường gieo cấy vụ đông xuân muộn nên đến cuối tháng ba mới thu hoạch, lúa thường gặp thời tiết khô hạn khi trổ đòng khiến năng suất rất thấp, chỉ đạt vài ba tạ mỗi sào. Những năm gần đây, đặc biệt vụ lúa đông xuân năm 2017-2018, nông dân đã chủ động cấy sớm nên nguồn nước trên các ruộng lúa dồi dào, kèm theo việc bón phân, chăm sóc chu đáo. Nhờ vậy, vụ lúa đông xuân năm nay đạt năng suất cao hơn mọi năm, bình quân đạt 60 tạ/ha. Điều đáng mừng nữa, giá lúa hiện nay tương đối cao, sau khi gặt xong chưa kịp phơi khô lúa đã có thương lái đến đặt mua. Bà Đàm Thị Liên (trú thôn 3, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) phấn khởi cho biết: “Vụ đông xuân gia đình tôi cấy hơn 3 sào lúa, sau khi thu hoạch phơi khô được khoảng 2 tấn đã có nhiều thương lái đến đặt mua với giá 7.200 đồng/kg”. Theo nhiều người dân, chưa có năm nào vụ lúa đông xuân được mùa, lại được giá như năm nay, sau khi trừ chi phí người trồng lúa vẫn có lãi hơn các vụ trước.

Ruộng nhỏ hoặc ruộng bậc thang dốc đứng, máy gặt đập liên hoàn không đến được như ở ruộng buôn Bling, buôn Húk (xã Cư M’gar), ruộng bậc thang nên bà con vẫn gặt theo cách thủ công.
Ruộng nhỏ hoặc ruộng bậc thang dốc đứng, máy gặt đập liên hoàn không đến đượcvẫn được bà con  gặt theo cách thủ công.

Ông Hứa Chấn Trí, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho biết: “Vụ đông xuân năm 2017-2018, toàn huyện gieo cấy được 1.296 ha. Hiện nay, bà con đã thu hoạch được khoảng ¼ diện tích gieo cấy. Để vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao, Phòng Nông nghiệp huyện, chính quyền địa phương các xã đã chỉ đạo, theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống khô hạn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong phòng trừ sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có hiệu quả. Ở những địa phương không chủ động được nguồn nước, chúng tôi đã hướng dẫn cho bà con gieo cấy sớm như ở các xã Quảng Hiệp, Cư M’gar; những xã tận dụng được nguồn nước từ các hồ đập thì bà con gieo cấy muộn hơn để đúng thời vụ. Nhờ vậy, vụ lúa đông xuân năm 2017-2018 bà con gieo cấy thuận lợi, nguồn nước đầy đủ, đạt năng suất cao, ít sâu bệnh”.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.