Mở đường cho nền nông nghiệp 4.0
Nông nghiệp 4.0 đang là xu thế và Đắk Lắk cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hiện những mô hình canh tác ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đang mở đường để Đắk Lắk hướng đến nền nông nghiệp 4.0.
Bước đột phá công nghệ tưới
Cách đây khoảng 5 năm, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn khá xa lạ với nông dân Đắk Lắk, chỉ có một vài hộ sản xuất rau thí điểm công nghệ này. Bây giờ, việc ứng dụng công nghệ này đã khá phổ biến, không chỉ cho cây ngắn ngày mà các loại cây lâu năm như cà phê, tiêu, cây ăn trái… cũng được nông dân đầu tư lắp đặt nhằm tiết kiệm nước tưới, nhân công, phân bón… Tiêu biểu như mô hình tưới nước tiết kiệm của gia đình bà Nguyễn Thị Thái Hà, tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar), với tổng diện tích sản xuất 22 ha, gồm các loại cây bơ, tiêu, cà phê, bưởi, sầu riêng…, để tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm công lao động, gia đình bà đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israen cho toàn bộ diện tích này. Bà Hà cho biết, trước đây, vào mùa khô, chỉ riêng cây cà phê, gia đình phải tưới từ 3 - 6 đợt nước bằng phương pháp tưới dí nên tốn rất nhiều nước và công lao động. Từ sau khi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, gia đình kiểm soát được lượng nước tưới vừa đủ theo nhu cầu để cây phát triển, không còn tình trạng vườn cây bị thiếu nước tưới trong mùa khô như những năm trước đây và luôn cho năng suất ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel tại một hội thảo ở Đắk Lắk. |
Không chỉ gia đình bà Nguyễn Thị Thái Hà đưa công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất, mà hiện có rất nhiều hộ ở các vùng trồng cây công nghiệp như Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Ea Kar, Krông Năng… đã lắp đặt công nghệ này vào vườn cây. Thực tế cho thấy, công nghệ tưới nước tiết kiệm không chỉ tiết kiệm từ 20-40% lượng nước tưới hằng năm, mà còn giúp sử dụng hiệu quả phân bón, kiểm soát độ ẩm, dinh dưỡng trên vườn cây… Hiện, công nghệ tưới tiết kiệm nước là một giải pháp có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp CNC nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản.
Những nền móng ban đầu
Trên thực tế, Đắk Lắk hiện vẫn chưa có mô hình nào hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, việc ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh vẫn còn ít. Tuy nhiên, thời gian qua, Đắk Lắk cũng đã có nhiều nỗ lực đầu tư, nghiên cứu, thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con áp dụng công nghệ tiên tiến và bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, theo kế hoạch phát triển của ngành Nông nghiệp, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ có khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh, đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đối với các cây cà phê, hồ tiêu, bơ, lúa lai F1, ngô cao sản, rau an toàn. Một số địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Pắc… cũng đã quy hoạch khu vực phát triển nông nghiệp CNC.
Mô hình rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao của anh Phan Nguyên Bic (TP. Buôn Ma Thuột). |
Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, theo Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2015-2020 của tỉnh, đến năm 2020, trên địa bàn huyện sẽ có 5.000 ha cà phê, 300 ha tiêu và 370 ha cây ăn quả thực hiện nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện một số đơn vị như Công ty Cà phê Đrao, với diện tích hơn 209 ha cà phê có nhiều tiềm năng để hình thành vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng CNC; Công ty Cà phê Ea Pốk cũng có 130 ha cà phê tái canh áp dụng CNC và hệ thống chế biến ướt. Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi có nhiều tiềm năng để ứng dụng CNC đối với các giống bò thịt, bò sữa…
Theo Sở NN-PTNT, những thành công trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng CNC đã cho thấy tiềm năng, triển vọng của nông nghiệp Đắk Lắk trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, nhất là các ngành chăn nuôi, sản xuất hoa quả, cà phê, hồ tiêu... Tuy nhiên, để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, phù hợp, thực tế...
Theo các chuyên gia nông nghiệp, khái niệm nông nghiệp 4.0 chính là tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc