Những doanh nghiệp công nghệ tiên phong
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, cải tiến thiết bị, qua đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Là DN chuyên sản xuất ca cao xuất khẩu, Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) luôn xác định công nghệ sản xuất là vấn đề sống còn. Từ 10 năm trước, công ty đã đầu tư dây chuyền thiết bị theo công nghệ của Châu Âu, công suất 50 tấn sản phẩm/tháng để chế biến ca cao hạt khô thành các loại sản phẩm: bột, bơ ca cao, sôcôla và ca cao hạt xay theo tiêu chuẩn quốc tế. Gần đây, đơn vị đã đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Cụ thể, công ty đã thực hiện dự án khoa học công nghệ “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất bột ca cao và các sản phẩm chocolate quy mô công nghiệp”, tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Để áp dụng công nghệ Châu Âu này, dây chuyền chế biến được đầu tư đồng bộ với 12 loại máy móc, thiết bị từ gàu tải nguyên liệu, tách vỏ, thiết bị lên men đảo bán tự động đến hệ thống sấy hạt, máy sàng phân loại hạt, tách vỏ, nghiền, rây bột ca cao, ép tách bơ, máy sấy lạnh và gia nhiệt. Nhờ vậy, quy trình sản xuất đã đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt trong tất cả công đoạn từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Hiện, công ty đã làm chủ công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu ca cao với dây chuyền, thiết bị hiện đại, công suất đạt 500 tấn sản phẩm/năm, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước Châu Âu, Bắc Mỹ.
Máy sấy nông sản tại Công ty TNHH Viết Hiền. |
Tương tự, Công ty TNHH Viết Hiền cũng liên tục phát triển công nghệ, kỹ thuật chế tạo, lắp ráp sản phẩm cơ khí. Năm 2015, các kỹ sư của công ty đã đến Trung tâm nghiên cứu Sinh thái - Thụy Sĩ (Oko Zentrum) tìm hiểu về công nghệ đốt FLOX phối hợp nhiệt phân - một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng cơ khí. Công nghệ này không phát sinh khí CO2 và cho sản phẩm cuối cùng than sinh học có giá trị cao về kinh tế. Qua quá trình nghiên cứu, đơn vị đã chế tạo, lắp ráp thành công hệ thống máy sấy nhiệt phân. Cụ thể, sản phẩm sử dụng phế phẩm nông nghiệp đốt nóng 1.2000C không thải CO2, khói bụi gây ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm là than sinh học. Công nghệ này được ứng dụng trong các loại máy sấy nông sản, công suất 4 tấn quả tươi/mẻ, có giá rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại sản xuất tại Châu Âu. Hiện, máy sấy nhiệt phân theo công nghệ FLOX sản xuất tại đây đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới…
Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, phong trào sáng tạo, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật phát triển khá sôi nổi trong cộng đồng DN. Trên địa bàn tỉnh đã có 6 đơn vị được cấp Chứng nhận DN khoa học và công nghệ, gồm: Công ty TNHH Viết Hiền, Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn; Công ty TNHH Xuân Hòa, Công ty TNHH sản suất, thương mại Đắc Hải và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Trung Hà - Đắk Lắk. Các doanh nghiệp này sẽ được hưởng một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tín dụng đầu tư và hỗ trợ kinh phí để hoàn thành các chương trình phát triển khoa học và công nghệ. Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tại các DN đã tăng năng lực hoạt động, nâng cao chất lượng và khả năng phát triển thị trường cho sản phẩm của địa phương.
Vận hành thiết bị chế biến ca cao tại Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn. |
Tuy nhiên, các DN trên địa bàn tỉnh phần nhiều còn rất lúng túng trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu, cải tiến và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm đối tác, mở rộng thị trường. Quá trình ứng dụng công nghệ mới chủ yếu phát triển tại một số DN có tiềm lực tài chính hoặc tiếp cận được các chương trình, dự án của Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, đa phần các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, nên việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh cho DN vừa và nhỏ. Nội dung của các chương trình này sẽ chú trọng kết nối thông tin về các công nghệ mới, thị trường và đối tác khoa học công nghệ nhằm từng bước hình thành vườn ươm công nghệ. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ khởi nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ và nguồn tài trợ từ các tổ chức đầu tư quốc tế để các doanh nghiệp triển khai các ý tưởng, đề tài khoa học công nghệ trong sản xuất.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc