Multimedia Đọc Báo in

Phát triển mô hình trồng nấm rơm sạch ở Ya Tờ Mốt

10:24, 23/02/2018
Tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn tại địa phương, nhiều hộ dân ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đã đầu tư phát triển mô hình trồng nấm rơm sạch, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
 
Anh Nguyễn Quốc Cường (thôn 8) được xem là người tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng nấm rơm ở Ya Tờ Mốt. Sau khi được tham quan mô hình trồng nấm ở huyện Krông Ana, nhận thấy địa phương nơi mình sống có nguồn rơm rạ dồi dào nên anh đã quyết định chọn trồng nấm rơm trong nhà. Anh chuyển đổi, cải tạo khu nhà trại rộng 100 m2 trước đây nuôi thỏ nhưng hiệu quả không cao sang trồng nấm. Ban đầu, do ít vốn, kinh nghiệm chưa nhiều lại gặp thời tiết không thuận lợi nên nấm thường bị hỏng. Nhưng anh vẫn kiên trì, chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng nấm mới trên sách báo và một số địa phương khác để nắm bắt được cách trồng và chăm sóc nấm đạt hiệu quả cao. Anh đã củng cố lại phần nhà trại, lắp đặt hệ thống béc, máy phun sương để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng cho phù hợp. Anh Cường cho biết: “Nhờ kiểm soát môi trường, bổ sung chất dinh dưỡng đúng cách và dùng nước sạch để tưới, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nấm phát triển tốt, bảo đảm sạch.”
 
Hiện nay, anh Cường đã mở rộng diện tích trồng nấm lên 400 m2 và đầu tư máy cuốn rơm để giảm chi phí, tiết kiệm nhân công.  Mỗi ngày, trại nấm của anh cung cấp ra thị trường khoảng 50 kg nấm thương phẩm, với giá bán từ 60-70 nghìn đồng/kg, sau khi từ chi phí, anh Cường thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. 
 
Anh Bùi Sỹ Trường cấy phôi giống nấm vào bịch ủ.
Anh Bùi Sỹ Trường cấy phôi giống nấm vào bịch ủ.
Từ thành công của mình, với mong muốn các bạn trẻ cùng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để phát triển kinh tế, anh Cường đã đề xuất thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm rơm. Tháng 1-2017, HTX Nấm và Dịch vụ nông nghiệp Ea Súp được thành lập gồm 7 thành viên, với tổng vốn góp ban đầu là 182 triệu đồng. Từ khi HTX đi vào hoạt động, sản lượng nấm tăng lên, khâu bao tiêu thuận lợi hơn. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp hơn 2 tấn nấm cho thị trường trong và ngoài huyện, đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động tại địa phương.
 
Anh Bùi Sỹ Trường (thôn 7, xã Ya Tờ Mốt) là một trong những thành viên tích cực của HTX. Đầu năm 2017, anh Trường đã đầu tư 10 triệu đồng để trồng nấm. Trên diện tích đất 60 m2, anh ủ được 1.000 bịch phôi nấm, sau gần 1 tháng đã cho thu hoạch hơn 1 tạ nấm. Với giá bán ổn định là 70 nghìn đồng/kg, mỗi tháng anh thu lãi gần 10 triệu đồng. Anh Trường đang tiếp tục đầu tư vốn mở rộng quy mô trồng lên hơn 1.000 m2, đồng thời thay thế giàn treo bằng kệ sàn để tiết kiệm diện tích, tăng sản lượng nấm. Theo anh Trường, muốn nấm sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao thì người trồng cần chủ động kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng cho phù hợp. Khâu ủ rơm cũng phải đúng cách xử lý sạch hoàn toàn mầm bệnh. 
 
Ông Trịnh Quang Kiệm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Tơ Mốt cho biết: Nghề trồng nấm phát triển tại địa phương từ cuối năm 2015. Xã Ya Tờ Mốt có hơn 600 ha lúa trồng 3 vụ, khí hậu tương đối ôn hòa là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình trồng nấm. Đến nay, trên địa bàn xã đã  có 9 hộ và 1 hợp tác xã trồng nấm. Qua thực tiễn cho thấy, trồng nấm chi phí sản xuất thấp, không đòi hỏi công lao động nên đã giúp người trồng thu được lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác như lúa, ngô, thuốc lá. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích trồng nấm để nâng cao thu nhập. Đồng thời phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức một mạng lưới tiếp thị, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, hướng tới xây dựng thương hiệu nấm rơm Ea Súp.
 
Tuyết Mai

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.