Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ xã Cư M'lan liên kết sản xuất rau sạch

09:02, 22/02/2018
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều phụ nữ ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) đã liên kết với nhau để sản xuất rau sạch. Mô hình không chỉ cung cấp một lượng rau sạch ổn định ra thị trường mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho các chị em. 
 
Mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch” ở xã Cư M’lan được triển khai trên quy mô hơn 1 ha với sự tham gia của 5 hộ có thâm niên canh tác rau trên địa bàn thôn 4. Tham gia mô hình, các tổ viên được hỗ trợ về vốn, kiến thức trồng rau đạt năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn; thay đổi phương thức canh tác, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích mà thay vào đó là sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học để chăm sóc cho rau màu. 
 
Đã có thâm niên trồng rau hơn 10 năm nên khi tham gia mô hình, chị Lê Thị Cảnh có nhiều kinh nghiệm chăm sóc rau. Gia đình chị hiện đang canh tác trên diện tích 3.000 m2 với các loại rau quả như cà chua, đậu ve, rau muống, rau cải, hành ngò…, bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 1 tạ rau. Với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/ kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về từ 5-6 triệu đồng/tháng. Do được trồng trong môi trường sạch, không sử dụng phân hóa học nên ngoài việc cung cấp rau cho khu vực chợ huyện, vườn rau của gia đình chị đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người dân trên địa bàn, khi họ tìm đến tận nơi để mua. Chỉ vào những luống bắp cải xanh mơn mởn, chị Cảnh cho biết: “Nếu với cách trồng trước đây là sử dụng phân hóa học thì 1.500 cây bắp cải sẽ kịp cung ứng cho thị trường Tết nhưng nay chuyển sang trồng rau theo hướng sạch chỉ dùng phân hữu cơ nên sẽ chậm hơn, sau Tết 5-7 ngày mới thu hoạch được.” Theo chị, tuy thời gian trồng rau sạch dài hơn, phải mất công bắt sâu, nhổ cỏ, hình thức cây rau cũng không bắt mắt nhưng lại bảo đảm chất lượng, an toàn cho cả người trồng lẫn người dùng.
 
Chị Lê Thị Cảnh chăm sóc vườn bắp cải.
Chị Lê Thị Cảnh chăm sóc vườn bắp cải.
Gia đình ít đất sản xuất, thu nhập từ việc trồng ngô, đậu bấp bênh nên từ năm 2010 chị Nguyễn Thị Hường đã mạnh dạn chuyển 2 sào đất sang trồng rau sạch để phát triển kinh tế gia đình. Để vườn rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chị Hường chú trọng đến khâu làm đất, đồng thời chọn trồng luân phiên các loại rau củ khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích đất để hạn chế sâu bệnh. Vốn ít, tận dụng được công nhàn rỗi nên mô hình trồng rau màu đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Từ khi tham gia vào tổ liên kết sản xuất rau sạch chị được ưu tiên vay vốn từ “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo” để có thêm vốn đầu tư; được các hội viên trong tổ hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc và công lao động nên việc sản xuất cũng thuận lợi hơn.
 
Qua thực tế, những hộ tham gia “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau sạch” ở xã Cư M’lan đều nhận thấy lợi ích rõ rệt từ việc thay đổi phương thức sản xuất. Hiện mỗi ngày tổ cung cấp ra thị trường khoảng 4 tạ rau củ sạch.  Đây được xem là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực mà Hội LHPN huyện Ea Súp triển khai nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thói quen trong việc sản xuất các loại nông sản an toàn trong mỗi gia đình, đặc biệt là sản xuất rau sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.  Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã Cư M’lan sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều hội viên tham gia vào tổ sản xuất rau sạch, đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan giúp đỡ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật trồng rau cho chị em.
 
Tuyết Mai

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.