Tái cơ cấu hướng đến gia tăng giá trị sản phẩm
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống sản xuất cho các vùng nông thôn, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành để nâng cao giá trị nông sản từ nông trại đến xuất khẩu.
Phát huy lợi thế
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là quá trình phát triển nông nghiệp gắn với bố trí, sắp xếp lại các chuyên ngành sản xuất theo nguyên tắc sử dụng tối đa lợi thế so sánh và nguồn lực đầu vào để tạo ra hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh cao, bền vững hơn cho toàn ngành.
Chiếm trên 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày của tỉnh, với hơn 202.000 ha, cà phê từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Đắk Lắk. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, người trồng cà phê đang tích cực thay thế bộ giống cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt thông qua tái canh với hơn 20.500 ha (2011-2017), đạt gần 64% kế hoạch. Niên vụ 2016-2017, toàn tỉnh có 17 đơn vị tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, với trên 15.651 ha (sản lượng 59.910 tấn), 14 đơn vị sản xuất cà phê 4C với 25.210 ha (sản lượng 94.799 tấn); 5 HTX sản xuất cà phê chứng nhận FLO với diện tích trên 649 ha (sản lượng đăng ký 2.272 tấn). Theo đánh giá của các tổ chức chứng nhận, ngoài lợi ích về kinh tế, môi trường thì khi tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận trình độ canh tác, quản lý vườn cây của nông dân được nâng lên. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sử dụng Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta, lũy kế từ năm 2012 đến nay xuất khẩu được 17.000 tấn có chỉ dẫn địa lý ra thị trường nước ngoài với giá trị tăng thêm khoảng 2-3%.
Vườn cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột tại huyện Cư M’gar. |
Đối với ngành chăn nuôi, các địa phương đang từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế hộ và lợi thế vùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 734.000 con heo (sản lượng thịt hơi đạt 124.500 tấn), đứng thứ nhất vùng Tây Nguyên và thứ 9 cả nước; trâu 39.750 con (2.310 tấn) đứng thứ nhất vùng Tây Nguyên; bò 234.600 con (12.900 tấn); gia cầm 10,5 triệu con (35.100 tấn)... Hiện tại, toàn tỉnh có 12 cơ sở được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và đang xây dựng xã Xuân Phú (Ea Kar) thành xã an toàn dịch bệnh lở mồm long móng. Bên cạnh 4 dự án (DA) chăn nuôi bò thịt, bò sữa với tổng vốn đầu tư trên 7.200 tỷ đồng (M’Đrắk, Ea Súp, Cư M’gar, Ea H’leo) thì các Tập đoàn De Heus, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông, Bel Gà... đang định hướng đầu tư chăn nuôi gắn với chế biến, xuất khẩu. Để tạo bước đột phá cho ngành, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ chuyên môn và kinh phí xây dựng vùng an toàn dịch tả, lở mồm long móng ở heo, bệnh Niu - cát - sơn và cúm ở gia cầm.
Gắn sản xuất với chế biến
Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 14 DA đầu tư vào ngành chế biến cà phê với tổng vốn đầu tư 2.923 tỷ đồng (trong đó 10 DA đã đi vào hoạt động); 260 cơ sở chế biến cà phê (95 cơ sở chế biến cà phê nhân, 163 cơ sở chế biến cà phê bột). Niên vụ 2016-2017, sản lượng chế biến cà phê nhân đạt trên 360.000 tấn, cà phê bột trên 22.000 tấn... Các sản phẩm cà phê chế biến hằng năm đều tăng về số lượng và chất lượng, đã hình thành một số cơ sở công nghiệp chế biến có công nghệ, trang thiết bị hiện đại, xuất khẩu cà phê hòa tan ngày càng tăng, đem lại giá trị gia tăng lớn cho ngành cà phê Đắk Lắk. Đặc biệt, đã có 15 đơn vị được sử dụng logo Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê rang xay trên 16 dòng sản phẩm, với khoảng 60 tấn đã được thương mại có gắn logo.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk kiểm tra tiến độ phát triển của cây mía. |
Theo Sở NN-PTNT, để triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng; phát triển hệ thống thủy lợi; thu hút đầu tư vào nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi… |
Ngoài cà phê, một số cây trồng chủ lực của tỉnh như cao su, hồ tiêu, lúa lai, mía... cũng được ngành Nông nghiệp chú trọng phát triển ổn định theo từng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, mang giá trị gia tăng cao. Đơn cử như huyện Ea Súp, những năm qua cây mía trở thành nông sản chủ lực mang lại giá trị gia tăng cao cho địa phương. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT, năm 2017 toàn huyện trồng được 4.037 ha (đạt 151% kế hoạch), sản lượng ước đạt 222.019 tấn (bằng 150% kế hoạch). Diện tích mía tăng cao đã đáp ứng nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu cho Dự án Nhà máy mía đường Đắk Nông tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) do Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 11-2015, tổng số vốn 460 tỷ đồng. Hiện tại, với công suất 2.500 tấn mía/năm (có tính mở rộng lên 3.000 tấn mía/năm) nhà máy đã vận hành thử nghiệm, chuẩn bị đưa vào sản xuất trong vụ mía đường 2017 - 2018.
Nguyễn Vũ - Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc