Multimedia Đọc Báo in

Thêm động lực cho ngành công nghiệp

06:10, 17/02/2018

Ngày 28-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 1110/TTg-CN, đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020. Triển khai thực hiện quy hoạch này sẽ tạo động lực lớn cho công nghiệp địa phương trong những năm tiếp theo.

Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có một KCN đang hoạt động là KCN Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), với diện tích 181,73 ha, trong đó, đất công nghiệp cho thuê 126,5 ha. Một trong những dự án lớn trong KCN này là Nhà máy thép Đông Nam Á của Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 7-2010, chuyên sản xuất các sản phẩm phôi thép và thép xây dựng theo công nghệ lò điện, công suất 120.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 244 tỷ đồng. Đến nay, dự án được nâng công suất luyện thép lên 550.000 tấn/năm, cán thép 500.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư gần 624 tỷ đồng. Sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Myanmar; nhà máy đã tạo việc làm cho hơn 400 lao động địa phương, trong đó 15% là người dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra vị trí xây dựng Khu công nghiệp Phú Xuân.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra vị trí xây dựng Khu công nghiệp Phú Xuân.

Ban quản lý các khu công nghiệp cho biết, KCN Hòa Phú hiện có 48 dự án đầu tư, tổng số vốn 3.300 tỷ đồng. Cụ thể, 24 dự án đã đi vào hoạt động, 15 dự án đang xây dựng và vận hành sản xuất thử, 4 dự án đang hoàn thiện hồ sơ và 5 dự án đã ngừng hoạt động. Trong năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 2.000 tỷ đồng (tăng hơn 5,3% so với năm 2016), doanh thu gần 1.940 tỷ đồng (tăng hơn 3%), nộp ngân sách Nhà nước hơn 9 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 72 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 900 lao động với thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, KCN này hiện không còn quỹ đất để cho thuê, nên không đáp ứng được nhu cầu sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Do đó, KCN đã được điều chỉnh tăng diện tích lên hơn 330 ha. Việc mở rộng diện tích, KCN sẽ đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp của địa phương.

Cùng với việc mở rộng diện tích KCN Hòa Phú, tỉnh ta sẽ có thêm KCN Phú Xuân tại xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar với diện tích 325,6 ha, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 18 km về phía Tây Bắc. Đây là khu vực tập trung sản lượng lớn cao su, cà phê, tiêu, điều, sắn, bơ... cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn. Theo đó, sẽ ưu tiên các dự án chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Về công nghiệp cơ khí, điện tử, điện dân dụng, tập trung phát triển theo hướng phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất các loại máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến nông, lâm sản. Hiện tại, tỉnh đang triển khai các nội dung về thủ tục đầu tư, quy hoạch và thành lập KCN. Về quỹ đất, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, đo đạc, xác định ranh giới thực địa để bàn giao đất thuộc Nông trường cao su Phú Xuân và Nông trường cao su Cuôr Đăng về cho địa phương xây dựng KCN. Việc đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN này do Công ty Cổ phần DPV Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án. Hiện nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ Dự án và Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến khởi công vào tháng 4-2018, tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Nhà máy thép Tây Nguyên của Công ty cổ phần thép Đông Nam Á tại Khu công nghiệp Hòa Phú.
Nhà máy thép Tây Nguyên của Công ty cổ phần thép Đông Nam Á tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Theo ông Võ Văn Tâm, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, việc mở rộng KCN Hòa Phú và thành lập KCN Phú Xuân sẽ tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp địa phương; bên cạnh đó, các KCN còn tạo điều kiện hình thành và phát triển hệ thống đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch kinh tế vùng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cụm công nghiệp (CCN) có hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư, trong đó, 3 CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: Tân An 1, Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột) và Ea Đar (huyện Ea Kar). Tổng vốn đầu tư hạ tầng cho 8 CCN đang hoạt động ước hơn 1.266 tỷ đồng. Đến nay, các CCN mới đầu tư được khoảng 292,3 tỷ đồng (23%). Hiện có 127 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào các CCN với tổng diện tích 237 ha, tỷ lệ lấp đầy 76,5%.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.