Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ những ý tưởng khởi nghiệp

08:17, 08/02/2018

Với sự nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên tại huyện Ea Súp đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp, mạnh dạn đưa vào thực tiễn với quyết tâm phải làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ea Súp là 1 trong 2 huyện biên giới của tỉnh, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm khích lệ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, hưởng ứng chủ đề công tác 2017 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam “Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp”, tháng 3 – 2017, Huyện Đoàn Ea Súp tổ chức phát động cuộc thi khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp cho biết, sau 10 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 25 ý tưởng khởi nghiệp là các mô hình, dự án nông nghiệp như trồng cây ăn trái xen rau, mô hình trồng nấm rơm, chăn nuôi gia cầm dưới tán cây điều, nuôi trâu bảo vệ rừng đầu nguồn…, đã được áp dụng vào thực tế và bước đầu mang lại hiệu quả. Để động viên thanh niên trong phát triển kinh tế, Huyện Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét hỗ trợ vốn khởi nghiệp (suất 20 triệu đồng hoặc 50 triệu đồng với mức lãi suất dưới 5%) cho các ý tưởng khởi nghiệp tham gia nhằm tạo động lực cho đoàn viên thanh niên địa phương vươn lên lập nghiệp.

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Đinh Xuân Hùng (bìa trái) và Nguyễn Văn Tâm (thị trấn Ea Súp).
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Đinh Xuân Hùng (bìa trái) và Nguyễn Văn Tâm (thị trấn Ea Súp).

Một trong những ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao là mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Đinh Xuân Hùng và Nguyễn Văn Tâm (thôn 10, thị trấn Ea Súp). Sau khi rời quân ngũ, anh Đinh Xuân Hùng mong muốn tìm hướng đi mới, phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy tại địa phương khí hậu nóng, đất pha cát nên mưa nhanh ráo nước rất thích hợp cho việc chăn nuôi gà thả vườn, anh đã bàn với anh Tâm (từng học Cao đẳng thú y và hiện tại đang kinh doanh thuốc thú y, con giống và thức ăn chăn nuôi) để cùng kết hợp phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Thấy đây là mô hình có tiềm năng, đầu năm 2017 anh Tâm đã cùng anh Hùng đầu tư gần 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại trên diện tích 5.000 m2, mua 1.000 con giống và thức ăn chăn nuôi. Anh Hùng bỏ công chăm sóc còn anh Tâm hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… Anh Hùng cho biết, gà được nuôi tầm 3 – 4 tháng hầu hết đều được các thương lái đến tận trang trại tìm mua, số ít còn lại được các anh bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện. Đến nay, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi tháng các anh thu về 15 – 20 triệu đồng từ chăn nuôi gà. Không những thế, số phân gà được tận dụng để bón cho hơn 3.000 cây hoa lay ơn phục vụ nhu cầu của bà con dịp Tết để kiếm thêm thu nhập. Từ thành công bước đầu đó, trong tương lai hai anh mong muốn mở rộng thêm trang trại gà, đồng thời phát triển thêm diện tích trồng hoa, rau sạch.

Mô hình trồng xoài rộng 5 ha của anh Vũ Thế Bằng (bìa trái).
Mô hình trồng xoài rộng 5 ha của anh Vũ Thế Bằng (bìa trái).

Bên cạnh chăn nuôi, nhiều thanh niên chú tâm phát triển mô hình trồng cây ăn trái. Anh Vũ Thế Bằng (thôn 7, xã Cư M’lan) đã từng thử sức với nhiều mô hình kinh tế như nuôi heo, gà thả rông… nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đều không mang lại hiệu quả, không phù hợp để phát triển lâu dài. Thấy phát triển chăn nuôi không phù hợp anh tìm hướng đi mới. Anh Bằng cho biết, khi đó gia đình anh có 5 ha diện tích đất cát pha sỏi bạc màu trồng điều, cao su nhưng không mang lại hiệu quả nên cứ quẩn quanh mãi không phát triển lên được. Đang đau đầu tìm hướng đi mới, anh thấy cây xoài gần nhà được trồng mấy năm trước đang cho quả, xoài da trơn mướt, to và ngọt. Từ đó, ý tưởng khởi nghiệp bằng mô hình trồng xoài được hình thành. Để hiện thực hóa ý tưởng đó, thời gian đầu, anh Bằng đã lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu sách báo, trực tiếp đến tận các nhà vườn tại địa phương để học hỏi kinh nghiệm trồng xoài. Đầu năm 2016, anh khăn gói đến tận Bình Phước bỏ ra 20 triệu đồng để mua 1.000 cây xoài giống (20 nghìn đồng/cây) mang về trồng trên diện tích 5 ha. Sau hai năm vườn xoài của gia đình anh đang phát triển tốt, ra hoa nhiều báo hiệu một mùa bội thu. Để chủ động trong khâu bao tiêu, bảo đảm sản phẩm xoài của gia đình không bị tồn đọng, trước khi mùa xoài đến anh Bằng đã tìm kiếm thị trường tại nhiều nơi và được một số thương lái ở Đồng Nai đồng ý thu mua.

Với sức trẻ giàu sáng tạo, luôn đi đầu tìm hiểu khoa học kỹ thuật, nắm bắt thị trường, kỳ vọng rằng các mô hình khởi nghiệp trong thanh niên huyện Ea Súp sẽ thành công và ngày càng mở rộng.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc