Multimedia Đọc Báo in

Từ hoang vu hóa thành trù phú

15:48, 15/02/2018

Xã Ea Kiết được thành lập trên cơ sở tách từ Nông trường Cao su Buôn Ja Wầm. Năm 2006 xã tiếp tục được tách ra một phần để thành lập mới xã Ea Kuêh. Đây được coi là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Cư M’gar. Lúc đó, tỷ lệ hộ nghèo của Ea Kiết chiếm đến trên 40%.

Già Y Nguôi Êban - người có uy tín ở buôn Ja Wầm B, là một trong 35 hộ dân ở xã Ea Pốk đầu tiên đến đây khai hoang từ những năm 1994-1995. Già kể, ngày mới đến, khu vực này là một khu rừng hẻo lánh, đường đất cheo leo, xe cộ đi lại khó khăn, đi mãi mới nhìn thấy một nóc nhà. Khi ấy, trục đường chính để vào được đây chỉ là lối mòn chênh vênh bên sườn dốc, có nhiều đoạn thi công dang dở, rất dễ bị sạt lún. Từ trung tâm huyện vào xã chỉ có một con đường rộng chưa đến 1,2 m, khoảng cách hơn 28 km nhưng phải đi gần hết 1 ngày trời. Mùa mưa, xã gần như tách biệt với bên ngoài bởi đường dốc, nước chảy xiết, nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt khó đi.

Vườn tiêu của hộ nông dân thôn 7 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vườn tiêu của hộ nông dân thôn 7 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Người dân ở đây chủ yếu đi xây dựng kinh tế mới nên ai cũng chịu thương chịu khó, cộng với đất đai màu mỡ nên ba loại cây được xem là chủ đạo là cà phê, hồ tiêu và lúa cạn được người dân đưa vào canh tác để gây dựng kinh tế. Đặc biệt, vùng đất này luôn ưu ái cho cây tiêu phát triển, 3 năm trở về trước, hồ tiêu được coi là cây “làm giàu” ở đây. Đến nay, nhiều vườn tiêu ở xã đã đi vào kinh doanh với năng suất bình quân đạt 3-4 tấn hạt/ha, nhiều hộ có mức thu mỗi năm từ hồ tiêu từ bốn đến năm trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết, theo thống kê, đến cuối năm 2016, toàn xã có 150 ha tiêu, sản lượng đạt 480 tấn, phần lớn bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định. Toàn xã có 2.292 hộ với 10.492 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7%; hộ khá, giàu đạt 35%, thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm.

Đạt được kết quả trên là nhờ bà con ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng theo hướng phá vỡ thế độc canh của cây cà phê và hồ tiêu truyền thống, thay vào đó là đa canh, trồng xen cây ăn quả theo mô hình “ba cây một nhà”: cà phê trồng xen hồ tiêu và sầu riêng hoặc trồng xen bơ booth, chanh dây. Đồng thời, thực hiện các quy trình sản xuất hiện đại, canh tác bền vững trên cây hồ tiêu như chủ động đầu tư mô hình tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt; trồng tiêu bằng trụ sống; hạn chế dùng phân hóa học, tăng cường sử dụng phân, thuốc sinh học… Được biết, toàn xã có hơn 50 vườn tiêu đang thực hiện phương pháp canh tác hiện đại này. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn tìm hướng tăng thu nhập bằng các mô hình chăn nuôi gà, bò, dê, thỏ... Toàn xã hiện có 20 gia trại đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, cho thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng/ gia trại.

Không khó để bắt gặp nhiều nhà biệt thự tiền tỷ, khang trang mọc lên ở xã Ea Kiết.
Không khó để bắt gặp nhiều nhà biệt thự tiền tỷ, khang trang mọc lên ở xã Ea Kiết.

Xuất phát điểm là một xã nghèo nên trong quá trình đi lên, chính quyền xã luôn tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang hơn. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã chú trọng tuyên truyền, huy động sức dân thực hiện nhiều công trình ý nghĩa, hệ thống giao thông đã được đầu tư  bài bản, quy mô phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Riêng trong năm 2016, nguồn vốn huy động trong dân đóng góp để xây dựng các công trình lên đến 3,1 tỷ đồng. Một số người dân còn tự nguyện hiến hàng trăm mét đất để mở rộng đường tại buôn Ja Wầm B… Công tác xã hội cũng được địa phương hết sức quan tâm, từ năm 2015 đến nay, xã đã vận động đóng góp vào nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của xã gần 1 tỷ đồng, xây dựng được 30 căn nhà hỗ trợ người nghèo, cùng với hỗ trợ hàng chục hộ mua bò giống phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.