Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp: Hiệu quả đạt thấp, vì sao?

08:59, 22/02/2018
Những năm qua, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo nên những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên ở một số lĩnh vực việc ứng dụng chưa đạt hiệu quả mong muốn. 
 
Nông dân tham quan mô hình giới thiệu giống lúa mới tại huyện Ea Kar.
Nông dân tham quan mô hình giới thiệu giống lúa mới tại huyện Ea Kar.
Điển hình như việc áp dụng quy trình phòng bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu tại Đắk Lắk được thực hiện trên 70% tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh, nhưng hiệu quả thực tế của công tác phòng chống dịch bệnh lại thấp. Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phân tích, quy trình đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận, đơn vị đã tổ chức các buổi tọa đàm phổ biến và giải đáp các thắc mắc của bà con và được người trồng tiêu đón nhận, áp dụng tích cực. Tuy nhiên ngay từ đầu nông dân đã ồ ạt trồng tiêu trên những diện tích đất không phù hợp, giống không bảo đảm chất lượng nên việc áp dụng quy trình sau đó không được thực hiện đầy đủ dẫn đến hiệu quả phòng bệnh thấp. Chưa hết, việc vệ sinh vườn tiêu không đúng kỹ thuật, lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng ép hồ tiêu lớn nhanh, tăng năng suất vượt quá khả năng cũng khiến cây trồng kiệt quệ, giảm sức đề kháng nên nhiều vườn tiêu vẫn xảy ra dịch bệnh…
 
Tương tự, việc ủ phân hữu cơ nhằm tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp tích cực để tiêu diệt các tàn dư mầm bệnh sau mỗi mùa vụ, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Thế nhưng nông dân không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ủ phân đã vô tình “tiếp tay” cho dịch bệnh bùng phát. Đơn cử, thanh long là một trong những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) nhưng hơn 3 năm trở lại đây các loại nấm bệnh bùng phát và lây lan mạnh làm cho nhiều vườn không thể thu hoạch. Theo phân tích của Trạm Khuyến nông thành phố thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến dịch bệnh bùng phát là do nông dân sử dụng phân hữu cơ tự ủ kém chất lượng. Do áp dụng không đúng, đủ quy trình kỹ thuật nên các vi sinh vật không có đủ thời gian phân hủy tàn dư thực vật, nguồn sâu bệnh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, các nhà vườn không chú trọng khâu chăm sóc, cắt tỉa cành, tạo tán nên độ ẩm trên cây cao, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công và lây lan mạnh. Uớc tính toàn xã có khoảng 50% diện tích thanh long bị nhiễm nấm bệnh khiến giá giảm mạnh từ 6.000 đồng/kg xuống còn 1.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua do mẫu mã xấu, khó bảo quản.
 
Cán bộ khuyến nông TP. Buôn  Ma Thuột hướng dẫn nông dân  xã Cư Êbur cách ủ phân hữu cơ.
Cán bộ khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn nông dân xã Cư Êbur cách ủ phân hữu cơ.
Hiện nay phân bón được sản xuất theo quy trình công nghiệp vẫn là nguồn chính cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Các doanh nghiệp sản xuất luôn hướng dẫn quy trình sử dụng cụ thể trên bao bì sản phẩm với các thiết bị sản xuất tương ứng, đặc biệt là khi dùng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Thế nhưng trên thực tế đa phần bà con nông dân vẫn sử dụng chủng loại và cách bón theo truyền thống - bón trực tiếp vào gốc cây mà không sử dụng phân bón hòa tan chuyên dùng như khuyến cáo do đó hiệu quả sản xuất thấp. Chưa hết, vì tâm lý chạy đua theo phong trào, một số nông dân đã mua các giống cây mới, chưa qua kiểm chứng bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng đã gây thiệt hại về kinh tế cho các gia đình và vô tình tiếp tay cho việc sản xuất cây giống kém chất lượng. Tiêu biểu như “cơn sốt” trồng cây sưa những năm 2007, 2008 hay trồng mắc ca, tiêu rừng lai năm 2014 khiến nhiều nông dân “tiền mất tật mang” khi mua phải cây giống kém chất lượng. 
 
Kết quả nghiên cứu khoa học thường mang tính kế thừa, do đó để ứng dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu thì việc chuyển giao cần phải thực hiện liên tục, được giám sát thường xuyên để nông dân có cách nhìn tổng thể, toàn diện. Từ đó, nông dân có thể linh hoạt ứng dụng vào sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất.
 
Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.