Bọc túi cho cây ăn quả - cách làm mang lại hiệu quả cao
Trong những năm qua, nhiều nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Cư M’gar đã áp dụng biện pháp bọc túi cho cây ăn quả trước khi thu hoạch. Biện pháp này vừa bảo vệ trái cây hiệu quả, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho con người và môi trường.
Nhiều năm nay, vườn ổi Đài Loan của gia đình chị Chu Thị Hảo (thôn 3, xã Cư M’gar) được thương lái tranh nhau tìm đến tận vườn để thu mua. Ổi vườn chị Hảo quả to, ít hạt, không bị sâu bệnh tấn công, mẫu mã đẹp nên được thị trường ưa chuộng. Chị Hảo trồng 60 cây ổi Đài Loan xen canh trong vườn cà phê từ năm 2014. Trong quá trình trồng, nhận thấy việc bọc túi cho trái mang lại hiệu quả, ngay từ năm đầu tiên ổi cho thu hoạch, chị đã áp dụng kỹ thuật này vào vườn cây của gia đình. Cách làm này không chỉ giúp quả ổi không bị sạm nắng mà còn hạn chế đáng kể tỷ lệ quả bị hỏng, thối do ảnh hưởng của thời tiết và côn trùng gây ra. Hiện nay, dù mới chỉ có 20 gốc ổi cho thu hoạch nhưng vẫn mang đến cho gia đình chị Hảo nguồn thu nhập 24 triệu đồng/năm, trong khi chi phí đầu tư không đáng kể. Chị Hảo chia sẻ: “Khi cây cho quả to bằng ngón tay cái thì phải dùng túi để bọc quả, tránh côn trùng gây hại, cũng như giúp cho quả bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ áp dụng kỹ thuật bọc túi cho quả nên từ khi bọc đến khi thu hoạch, chúng tôi không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật”.
Chị Chu Thị Hảo (trái) đang bọc trái cho vườn ổi của gia đình. |
Đầu năm 2017, bà Nguyễn Thị Thủy (thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp) đã tìm hiểu và ứng dụng thành công việc bọc túi giữ trái cho cây mít. Nếu như trước đây mỗi cây mít chỉ giữ được 70% quả thì từ khi áp dụng phương pháp bọc quả, tỷ lệ này đã lên đến trên 90%. Với 120 cây mít được trồng xen trong 1 ha điều, mỗi cây cho thu khoảng 100 kg/năm, bình quân mỗi quả đạt từ 12 - 15 kg (có những quả lên đến 25 kg), tổng sản lượng đạt khoảng 12 tấn/năm, gia đình bà Thủy thu nhập đạt gần 50 triệu đồng, chi phí đầu tư lại không đáng kể… Bà Thủy cho biết: “Trước đây, khi chưa bọc túi, nhiều quả mít bị sâu hại và phải cắt đi phần hư dẫn đến sản lượng giảm đi một phần. Tôi học phương pháp bọc túi cho quả qua mạng Internet, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình thấy hiệu quả rất tốt. Bọc quả tránh được mưa, côn trùng phá hoại, quả cũng không bị vẹo, méo mà đẹp, bắt mắt và dễ bán hơn”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, hiện nay tổng diện tích cây ăn quả trồng thuần trên địa bàn huyện là trên 200 ha, tập trung chủ yếu tại các xã như: Quảng Hiệp (60 ha), Ea Kpam (33 ha), Cư Dliê Mnông (25 ha) và Cư Suê (14 ha)…; trong đó, diện tích kiến thiết cơ bản 62 ha và kinh doanh 42,5 ha. Ngoài ra, huyện Cư M’gar còn có khoảng hơn 1.000 ha cây ăn trái được trồng xen trong các vườn cà phê, chủ yếu là bưởi, bơ, sầu riêng, chôm chôm, mít, ổi… Hiện nay, rất nhiều hộ dân tại các địa phương đã áp dụng kỹ thuật bọc trái cho cây ăn quả trước khi thu hoạch. Ngoài sử dụng các túi bao trái thông thường, nhiều nhà vườn còn mạnh dạn đầu tư kinh phí sử dụng những túi bao chuyên dụng…
Bọc trái trước khi thu hoạch là một trong những kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng rộng rãi trong việc trồng cây ăn trái. Đây là một kỹ thuật dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Biện pháp này có ưu điểm là giá thành rẻ, ngăn được sâu bệnh, hạn chế nắng nóng và mưa, giúp quả có mẫu mã đẹp và đồng đều; giảm quả rụng do bị sâu bệnh gây ra, giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng… |
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc