Multimedia Đọc Báo in

"Bội thực" mía đường ở Ea Súp

08:49, 30/03/2018

Mọi năm vào thời điểm này, nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Ea Súp đã hoàn thành việc thu hoạch và bắt tay vào trồng trọt niên vụ mới. Thế nhưng đến nay, vẫn còn hàng nghìn héc-ta mía đến kỳ thu hoạch đang phơi đầy đồng khiến người trồng đứng ngồi không yên.

Niên vụ 2017-2018,  gia đình anh Nguyễn Công Lý (thôn 10, xã Ya Tờ Mốt) trồng hơn 8 ha mía. Theo anh Lý, chi phí đầu tư cho một ha mía khoảng 50 triệu đồng, trong đó Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk hỗ trợ 32 triệu đồng. Mọi năm, toàn bộ diện tích mía của gia đình đều được Công ty thu mua hết trước Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay trước Tết Công ty mới thu mua 1 ha, diện tích còn lại đến nay vẫn chưa được xếp lịch đốn chặt, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng của cây mía.

Năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Hiền (thôn 9, xã Ya Tờ Mốt) mở rộng diện tích trồng mía từ 10 ha lên 30 ha, nhưng do thời tiết nắng nóng cộng với việc người dân đốt rẫy đã làm cho 10 ha bị cháy. Để bán được số mía cháy, chị Hiền đã phải vay nóng thuê công và xe chở mía đến tận công ty, thế nhưng đến nơi cũng phải chờ từ 2-3 ngày mới được cân, khiến trọng lượng mía đã bị sụt giảm đi rất nhiều. Chị Hiền cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Công ty mới chỉ thu mua được 1/3 diện tích mía của gia đình. Với diện tích mía bị cháy, gia đình tôi đã lỗ 300 triệu đồng, chưa kể đến một lượng mía đã được chặt đốn nhưng phải nằm phơi ruộng hơn 15 ngày nay bởi công ty chưa đến thu mua, vụ mùa năm nay coi như mất trắng”.

Nhiều diện tích mía của người dân ở trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt đã bị khô.
Nhiều diện tích mía của người dân ở trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt đã bị khô.

Theo phản ánh của người trồng mía trên địa bàn huyện Ea Súp thì do công ty thu mua mía chậm nên nhiều diện tích mía bị khô, héo đã làm cho năng suất và chất lượng mía giảm đi rất nhiều, gây thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên điều khiến người trồng mía lo lắng nhất là việc thu hoạch chậm sẽ làm cho cây mía dễ bị chết gốc, khó nảy mầm ảnh hưởng đến việc lưu gốc cho vụ mía năm sau.

Trước tình hình đó, ngày 16-3, Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, UBND xã Ya Tờ Mốt đã làm việc với Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk để nắm bắt tình hình hoạt động và công tác thu mua mía của Công ty trên địa bàn. Theo đó, niên vụ 2017-2018, Công ty đầu tư trồng 5.000 ha mía, trong đó có 4.037 ha được trồng tại huyện Ea Súp, ước tính sản lượng đạt 32.000 tấn. Hiện toàn huyện còn khoảng 1.800 ha mía chưa thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, lịch thu mua mía của công ty bắt đầu từ tháng 11 năm này đến tháng 5 năm sau mới kết thúc. Hiện tại, việc thu mua vẫn theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, cam kết sẽ thu mua toàn bộ diện tích mía mà công ty đã đầu tư cho người dân, khu vực nào trồng trước thì thu mua trước, không ưu tiên bất cứ vùng nào, với giá “bảo hiểm” là 800 đồng/kg. Riêng với cây mía bị cháy thì sẽ mua theo trữ lượng đường.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp thì cho rằng, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk mới chuyển từ Đắk Nông về Ea Súp từ tháng 12-2017 nên việc nhà máy vận hành chậm hơn 1 tháng so với mọi năm ít nhiều có ảnh hưởng đến tiến độ thu mua. Bên cạnh đó, việc xuống giống đồng loạt, diện tích mía tăng đột biến từ 2.000 ha (niên vụ 2016-2017) lên hơn 4.000 ha (niên vụ 2017-2018) đã tạo nên sức ép thu mua cho công ty, bởi công suất hoạt động của nhà máy chỉ đạt 2.300 tấn mía cây/ngày đêm. Theo tính toán với công suất hiện tại, thì phải mất đến 4 tháng công ty mới có thể thu mua hết diện tích mía của người dân trên địa bàn huyện.

Để tháo gỡ khó khăn này, thiết nghĩ, trước mắt công ty cần xây dựng kế hoạch thu mua điều tiết giữa các vùng, ưu tiên thu mua những diện tích mía bị cháy và hiện đang phơi trên ruộng để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Đồng thời, cần có kế hoạch gieo trồng và thu hoạch hợp lý để tránh tình trạng diện tích mía tăng đột biến, tổng sản lượng lớn, trong khi công suất của nhà máy không đáp ứng kịp dẫn đến tình trạng “bội thực” mía trên địa bàn huyện Ea Súp như hiện nay. 

Diện tích mía tăng đột biến từ 2.000 ha (niên vụ 2016-2017) lên hơn 4.000 ha (niên vụ 2017-2018) đã tạo nên sức ép thu mua cho Công ty Cổ phần mía đường Đắk Lắk, bởi công suất hoạt động của nhà máy chỉ đạt 2.300 tấn mía cây/ngày đêm. Theo tính toán với công suất hiện tại, thì phải mất đến 4 tháng công ty mới có thể thu mua hết diện tích mía của người dân trên địa bàn huyện.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.