Multimedia Đọc Báo in

Chấn chỉnh hoạt động sản xuất gạch

09:46, 08/03/2018

Theo quy định tại Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh về thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò vòng cải tiến (Quyết định 35) thì đến năm 2020, các loại lò gạch này không được cấp phép xây dựng mới, phải chấm dứt hoạt động và chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc sản xuất gạch không nung. 

 

Riêng lò thủ công, thủ công cải tiến phải chấm dứt hoạt động từ 31-12-2014; lò đứng liên tục, lò vòng cải tiến được phép hoạt động đến năm 2020.

Triển khai quyết định này nhằm cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất gạch; khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất sét, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình chuyển đổi này cũng là xu thế tất yếu trong ngành xây dựng - thay thế dần sử dụng gạch nung sang gạch không nung thân thiện với môi trường.

Một cơ sở sản xuất gạch nung tại buôn Mlớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana.
Một cơ sở sản xuất gạch nung tại buôn Mlớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana.

Tuy nhiên, việc thực hiện theo lộ trình này trên thực tế vẫn còn bấp cập, hạn chế, nhiều cơ sở sản xuất gạch tại các địa phương chưa bảo đảm yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có 3 nhà máy sản xuất gạch bằng công nghệ lò tuynel, tổng công suất 53 triệu viên/năm; còn lại hầu hết sử dụng các công nghệ kém hơn, cụ thể: 4 lò vòng cải tiến (72 triệu viên/năm); 102 doanh nghiệp, hợp tác xã với 406 lò nung liên tục kiểu đứng (hơn 1,2 tỷ viên/năm). Các cơ sở này tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Ana, Krông Pắc, Cư Kuin, Lắk và Ea Súp. Chỉ còn 3 năm nữa để kết thúc lộ trình chuyển đổi công nghệ lạc hậu sang lò tuynel hoặc công nghệ không nung, nhiều cơ sở sẽ không có khả năng thực hiện. Chưa kể, riêng trên địa bàn huyện Ea Súp, đến thời điểm này vẫn còn 7 cơ sở với 21 lò gạch thủ công (trong đó có một lò gạch mới xây dựng năm 2016) đang hoạt động nhưng chưa được xử lý.

Bên cạnh sử dụng công nghệ cũ, hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch cũng đã dẫn đến những hệ lụy xấu đối với môi trường. Minh chứng cho tình trạng này là tại địa bàn huyện Krông Ana với gần 70 cơ sở sản xuất gạch ngói, tập trung chủ yếu ở xã Ea Bông, Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp đang từng ngày hủy hoại môi trường. Đơn cử, tại buôn Mlớt, xã Ea Bông có nhiều cơ sở sản xuất gạch hoạt động rầm rộ, lượng khói, bụi thải ra môi trường rất lớn. Chị Nguyễn Thị Tú, một người dân ở đây cho biết, các lò gạch đã hoạt động từ nhiều năm nay, hầu hết đều đốt thủ công bằng củi hoặc than đá, nên khí thải, khói bụi xả ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Ngoài ra, hàng loạt xe tải chở đất sét từ đồng ruộng về lò và gạch đi tiêu thụ khiến đường sá hư hỏng, vật liệu rơi vãi khắp nơi. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất gạch còn khai thác sét chưa đúng phương án phê duyệt như quá độ sâu, sai vị trí được cấp phép, chưa bảo đảm về quy trình cải tạo, phục hồi môi trường và trả lại mặt bằng sau khai thác dẫn tới những chân ruộng biến thành “ao”, phải bỏ hoang trong nhiều năm. Trước tình trạng này, ngày 19-4-2017, UBND huyện Krông Ana đã ra quyết định ngừng hoạt động thu gom sét tại 20 vị trí trên các cánh đồng thuộc xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp.

Các lò gạch kiểu đứng của Hợp tác xã công nghiệp Ea Uy, huyện Krông Pắc.
Các lò gạch kiểu đứng của Hợp tác xã công nghiệp Ea Uy, huyện Krông Pắc.

Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quá trình thực hiện Quyết định 35 của UBND tỉnh là việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đòi hỏi số vốn lớn, trong khi tiềm lực của hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở này lại hạn chế. Cùng với đó, nhiều cơ sở sử dụng một lượng lớn nhân công, nên việc chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi nghề cho người lao động rất khó khăn. Nhằm chấn chỉnh hoạt động, bảo đảm môi trường trong lĩnh vực sản xuất gạch, tại công văn 3181/UBND-CN ngày 13-2-2018, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục, lò vòng; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới cho các chủ cơ sở sản xuất và người lao động trong thời gian chờ chuyển đổi; hỗ trợ đào tạo nghề mới cho lao động tại các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công; tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch, xử lý nghiêm cơ sở không bảo đảm quy định về công nghệ, môi trường và sử dụng tài nguyên đất sét để sản xuất; đồng thời xác định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm diện tích, khu vực phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, hạn chế quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét cho sản xuất gạch…

Đối với huyện Ea Súp, UBND tỉnh yêu cầu huyện này kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân không thực hiện nghiêm Quyết định số 35 đã nêu trên và vẫn để tồn tại các lò gạch thủ công sai quy định. Với 21 lò gạch thủ công này phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 31-6-2018.

Nhằm khuyến khích sử dụng gạch không nung thay thế cho gạch nung đất sét, tỉnh có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư khuyến khích các dự án sản xuất vật liệu không nung; đồng thời UBND yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu tỉnh phê duyệt, cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án phải yêu cầu chủ đầu tư cam kết ưu tiên sử dụng gạch không nung trong các công trình, hạng mục công trình.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.