Multimedia Đọc Báo in

Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột: Nỗ lực xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp

08:33, 27/03/2018

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số đánh giá của doanh nghiệp (DN) và mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. 

Theo ông Nguyễn Đức Mười, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột, trong năm 2017, Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: phổ biến, tuyên truyền pháp luật về công tác cải cách hành chính; giải quyết thủ tục thông suốt qua hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), hệ thống dịch vụ công trực tuyến; triển khai công tác thu ngân sách Nhà nước điện tử qua các ngân hàng thương mại; hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN. Bên cạnh đó, Chi cục cũng thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan bằng các hình thức: gửi văn bản, email, điện thoại trực tiếp, đường dây nóng…

Ông Đỗ Văn Hùng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu – Thị trường, Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 nhận xét: Trước đây thủ tục thông quan hàng hóa khá phức tạp, đa phần các giấy tờ kê khai, nộp thuế đều làm thủ công nên mất nhiều thời gian, dễ dẫn đến tồn đọng hàng hóa. Từ khi Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các thủ tục hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN được thông quan hàng hóa nhanh chóng. Mọi khúc mắc của DN cũng được cán bộ hải quan tận tình hướng dẫn, giải đáp kịp thời tạo sự hài lòng trong cộng đồng DN.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột tham gia giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại giữa ngành Hải quan và doanh nghiệp năm 2017.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột tham gia giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại giữa ngành Hải quan và doanh nghiệp năm 2017.

Theo thống kê, trong năm 2017, số lượng DN xuất nhập khẩu thực hiện khai báo trên hệ thống VNACCS/VCIS tại Chi cục là 48/48 DN; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 443,5 triệu USD, vượt 9,5% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016; số thuế nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 41,1 tỷ đồng, đạt 158% chỉ tiêu pháp lệnh, 102% chỉ tiêu phấn đấu. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thu ngân sách Nhà nước qua các ngân hàng thương mại đã bảo đảm thông quan hàng hóa cho DN một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu tại đơn vị.

 

Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan Hải quan để làm thủ tục thông quan hàng hóa gây mất thời gian thì việc ứng dụng VNACCS/VCIS đã góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tiết kiệm được chi phí  kinh doanh. Việc điện tử hóa các thông tin trao đổi giúp cho môi trường kinh doanh minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh cho DN.”

 

 
Ông Đỗ Văn Hùng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu – Thị trường, Công ty Xuất nhập khẩu 2-9

Song song với công tác cải cách thủ tục hành chính, Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột cũng tăng cường hoạt động theo dõi, giám sát các địa điểm kiểm tra hàng hóa, kiểm tra thực tế hàng hóa tại nhà máy sản xuất, công trình của DN nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phát sinh trên địa bàn. Cùng với đó, công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan, bổ sung thông tin vào hồ sơ DN, thông tin rủi ro của các DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cũng được chú trọng để phục vụ cho công tác phòng, chống buôn lậu, quản lý rủi ro và hỗ trợ cho việc quyết định hình thức, mức độ kiểm tra trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Đức Mười, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra trong việc nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính là nâng cao đạo đức công vụ, sự quyết liệt, sâu sát của người đứng đầu. Thời gian qua, Chi cục thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức trong đơn vị phát huy tinh thần trách nhiệm, thường xuyên nghiên cứu, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc. Khi hướng dẫn thủ tục cho DN luôn kịp thời, tận tình, đầy đủ, chính xác, tránh trường hợp DN phải đi lại nhiều lần, gây tốn kém về thời gian, chi phí. Đó cũng chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.