Điểm sáng Bình Minh
Trong những năm qua, nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, cùng với được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thôn Bình Minh, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã “thay da đổi thịt” rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Thôn Bình Minh hiện có 191 hộ, phần lớn là người dân tộc Dao. Bà con chủ yếu canh tác theo lối cũ, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện của nhiều năm về trước, giờ đây Bình Minh đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế ở địa phương. Kết quả đó có được là nhờ sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng từ trồng cây ngắn ngày thu nhập thấp sang trồng cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả...; bà con tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đời sống nhân dân trong thôn ngày càng ổn định và nâng cao, nhiều hộ không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương.
Thôn Bình Minh hôm nay. |
Điển hình như gia đình ông Bàn Văn Ba – một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương. Trước đây, cũng như các hộ khác, ông Ba chủ yếu trồng hoa màu, hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được cán bộ thôn, xã vận động, tư vấn, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê xen với hồ tiêu, sầu riêng và bơ. Hiện nay, với 3 ha cà phê xen trên 1.000 trụ tiêu, 150 cây sầu riêng, bơ, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được hơn 3 tấn cà phê, 6 tấn tiêu… Gia đình ông Ba đã có cuộc sống ổn định, xây được nhà cửa khang trang, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ gia đình ông Bàn Văn Ba mà nhiều hộ dân nơi đây đã có cuộc sống khá giả nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm. Trong thôn hiện có những hộ đạt thu nhập tiền tỷ mỗi năm, còn những hộ có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên đếm không xuể. Bình Minh hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp nhất của xã: thôn chỉ còn 4 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Đây là con số ấn tượng đối với một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bà Bàn Thị Lan, Bí thư Chi bộ thôn tự hào: “Thôn hình thành từ năm 1976 với hơn 95% là người Dao. Khi mới vào lập nghiệp, bà con chủ yếu trồng lúa, hoa màu…; thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó cuộc sống ngày càng khá lên. Năm 2017, trong thôn có nhiều hộ thu được cả chục tấn tiêu, sầu riêng, thu nhập cả tỷ đồng. Thôn bây giờ thay đổi nhiều lắm, hộ nghèo còn không đáng kể, hộ giàu nhiều, hầu như nhà nào cũng đã mua sắm được tivi, xe máy, 70% hộ có nhà xây kiên cố, nhà gỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”.
Đời sống khấm khá, bà con trong thôn đã tích cực góp công, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Mới đây, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân trong thôn đã đóng góp 230 triệu đồng cùng với Nhà nước bê tông hóa được 1 km đường giao thông trị giá 1 tỷ đồng…
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc