Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk: Nỗ lực trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước

09:24, 26/03/2018

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, du lịch Đắk Lắk đang từng bước làm mới mình, khai thác tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước theo quy hoạch, xây dựng của Chương trình Phát triển Du lịch quốc gia vào năm 2020.

Dấu ấn thu hút đầu tư

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2012-2017 được đánh giá có những đột phá về thu hút đầu tư ngoài ngân sách với tổng nguồn vốn thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân qua các dự án đầu tư phát triển du lịch khoảng 2.300 tỷ đồng, đạt trên 300% so với kế hoạch.

Trong giai đoạn 2012 – 2017 có 11 dự án được đầu tư và đi vào hoạt động như: Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê; Khu du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng Ko Tam; Khu Du lịch Đồi Thông Mêhycô; Khách sạn Hai Bà Trưng; Dự án Mường Thanh Buôn Ma Thuột; Trung tâm đào tạo nghề Du lịch và Khách sạn Đam San (TP. Buôn Ma Thuột);  Thác Dray K’Nao (M’Đrắk);  Điểm du lịch sinh thái Hồ Lắk (Lắk); Điểm du lịch thác Thủy Tiên (Krông Năng); Trang trại du lịch Vườn Troh Bư (Buôn Đôn); Dự án tu bổ di tích Tháp Yang Prông (Ea Súp). Bên cạnh đó, có một số dự án vẫn đang tiến hành triển khai lập dự án đầu tư: Dự án đầu tư mở rộng Trung tâm Du lịch Buôn Trí A (Buôn Đôn); Dự án đầu tư Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur (Krông Ana); Dự án du lịch Đồi Cư H’Lâm (Cư M’gar); Mô hình du lịch cộng đồng sinh thái cà phê buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột; Dự án đầu tư khu căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy tại Dlei Ya (Krông Năng); Dự án tôn tạo khu di tích hang đá Đắk Tuar (Krông Bông)…

Du lịch cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk.
Du lịch cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk.

Từ việc thu hút đầu tư của các nguồn lực, cơ sở vật chất ngành Du lịch ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng, nhất là các cơ sở lưu trú du lịch (tăng 46 cơ sở gồm 22 khách sạn và 24 nhà nghỉ, với tổng số 4.082 phòng, có thể phục vụ hơn 8.000 khách du lịch cùng một thời điểm). Các khu du lịch, điểm du lịch thường xuyên có sự đầu tư, nâng cấp, đổi mới thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Chiến lược phát triển bền vững

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được cụ thể hóa để thực hiện trong từng giai đoạn, gồm giai đoạn 2012-2015 (Nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND ngày 6-7-2012 của HĐND tỉnh; Quyết định số 2199/QĐ-UBND ngày 26-9-2012 của UBND tỉnh) và giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 30-8-2016 của HĐND tỉnh; Quyết định số 3394/QĐ-UBND ngày 15-11-2016 của UBND tỉnh). Đây được xem là nền tảng để ngành Du lịch xây dựng những bước đi vững chắc trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Lễ mừng cơm mới của người Sê Đăng ở buôn Kon H’ring, xã Ea H’Đing (Cư M’gar).
Lễ mừng cơm mới của người Sê Đăng ở buôn Kon H’ring, xã Ea H’Đing (Cư M’gar).

 

Ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện nay ngành đang tiến hành khảo sát, điều tra thông tin khách du lịch trên địa bàn tỉnh; khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Ea Kar; thẩm định, phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú; đôn đốc doanh nghiệp nâng cao chất lượng, chú trọng các tour đặc thù; tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng; triển khai quản lý và phát triển nhãn hiệu đặc sản phục vụ phát triển du lịch cho các sản phẩm tiêu biểu.

Giai đoạn 2012 – 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành du lịch đạt trên 13,5%; tổng doanh thu đạt khoảng 2.400 tỷ đồng; thu thút khoảng 3 triệu lượt khách. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, những năm qua, ngành du lịch đã không ngừng mở rộng hợp tác, phát triển. Trong đó, ngành Du lịch đã thực hiện liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các tỉnh, thành phố, hỗ trợ kết nối các chương trình, tuyến, điểm tham quan du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành trên toàn quốc; phối hợp với TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng ... tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh cũng đã ký kết, hợp tác với một số doanh nghiệp các tỉnh, thành trong nước trong việc hỗ trợ đưa khách dulịch đến Đắk Lắk và ngược lại.

Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà phát triển tương xứng, ngày 17-7-2017, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020 du lịch Đắk Lắk tăng trưởng bình quân 25%/năm và doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng/năm; đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lợi thế về loại hình du lịch văn hóa – cộng đồng và sinh thái. Để đạt được mục tiêu đó, Chương trình đã đề ra 8 giải  pháp để thực hiện gồm: Tuyên truyền, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Đắk Lắk có tính cạnh tranh cao, bền vững; quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ ngành Du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ngành kinh tế quan trọng này; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.