Multimedia Đọc Báo in

Đừng để các mô hình liên kết chuỗi sản xuất "chết yểu"

09:27, 12/03/2018

Để đáp ứng yêu cầu của các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua các đơn vị liên quan đã xây dựng khá nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản.

Điều này đã thể hiện được sự chuyển biến trong tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trên thực tế việc liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân còn nhiều hạn chế. Đơn cử như mô hình sản xuất theo chuỗi con giống thủy sản có liên kết với doanh nghiệp được thực hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Bước đầu mô hình đã tạo được sự phấn khởi cho người dân về đầu ra của sản phẩm cá giống, bởi lâu nay bà con toàn bán cho thương lái và luôn bị ép giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp đứng ra liên kết lại không tìm được đầu ra để bao tiêu sản phẩm, vậy là bà con ở đây đành phải bán cho… thương lái! Và sau khi kết thúc mô hình thì việc liên kết xem như cũng chấm dứt, người sản xuất vẫn cứ phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sở NN-PTNT cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có 62 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp, trong đó 16 HTX liên kết với doanh nghiệp cung cấp đầu vào, 10 HTX liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra, 36 HTX liên kết với doanh nghiệp vừa cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm… Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung việc liên kết sản xuất vẫn còn yếu; chưa hình thành được nhiều mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi phát triển bền vững.

Thiết nghĩ, việc phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu trong thời buổi hội nhập kinh tế thế giới, có như vậy sản xuất mới phát triển, nông sản của tỉnh mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và thu nhập cho người dân. Do đó, việc xây dựng mô hình là cần thiết nhưng cũng cần phải có giải pháp trong việc duy trì mối liên kết với doanh nghiệp và nhân rộng mô hình, đừng nên để lãng phí nguồn vốn đầu tư ban đầu, trong khi vốn đầu tư cho nông nghiệp luôn luôn thiếu và ít.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.