Gập ghềnh rau VietGAP ra thị trường
Trong khi người tiêu dùng lo lắng về rau bẩn thì rau VietGAP lại không tìm được đầu ra. Vẫn là “bài toán” cũ, nhưng bao nhiêu năm nay cứ loay hoay chưa tìm ra lời giải.
Rau an toàn theo chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Toàn Thịnh. |
Những năm qua, HTX được Sở NN-PTNT đầu tư hệ thống tưới phun sương, hỗ trợ vốn, mở nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh để các xã viên có thêm kiến thức, tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những nông dân tham gia mô hình này cũng được tập huấn rất kỹ về quy trình sản xuất, trong đó chú trọng nhiều đến khâu đầu tư sản xuất an toàn để cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, không nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, rau vẫn khó tiêu thụ trên thị trường. Với diện tích trên 10 ha chuyên trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP, sức cung ứng của HTX Toàn Thịnh trên 650 tấn rau, củ, quả các loại/năm. Nhưng điều đáng nói chỉ ¼ trong số đó được thị trường tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart, Mường Thanh Buôn Ma Thuột và một số cửa hàng rau sạch tại TP. Buôn Ma Thuột. Phần nhiều sản lượng còn lại thì người trồng tự tìm cách tiêu thụ hoặc bán ra chợ với giá như rau thường.
Anh Trương Văn Duyên, xã viên của HTX chia sẻ, sống bằng nghề trồng rau nên không thể làm ăn bát nháo mà phải nâng cao uy tín để tạo thương hiệu riêng cho rau của HTX. Trồng rau an toàn chuẩn VietGAP hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón; ngược lại, người trồng phải mất nhiều công chăm sóc “thủ công” hơn. Do làm theo quy trình khắt khe từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc nên sản phẩm bảo đảm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm so với cách trồng rau truyền thống. Song, giá rau bán ra “cào bằng” như rau trồng theo kiểu thông thường khiến nhà nông như anh không khỏi buồn lòng.
Thu hoạch rau tại Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Toàn Thịnh. |
Trong khi đó, vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Văn Nhân (huyện Ea H’leo). Công ty có diện tích 4 ha trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP tại xã Ea Ral, có đầu tư nhà lồng, ứng dụng công nghệ cao, nhà sơ chế và đóng gói bao bì sản phẩm. Mỗi ngày đơn vị cung ứng ra thị trường từ 2-3 tấn rau, củ, quả các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 1 tạ rau được bán ở các cửa hàng rau sạch trên địa bàn tỉnh với giá cao hơn 20% so với rau được trồng theo kiểu truyền thống, số nhiều còn lại đành phải bán ra chợ với giá bấp bênh. Anh Lê Văn Nhân, Giám đốc Công ty cho biết, dù sản phẩm do công ty làm ra đã được cơ quan chức năng kiểm định và cấp chứng nhận chất lượng nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm vô cùng khó khăn. Có những thời điểm, nguồn thu không đủ bù lại chi phí sản xuất.
Rõ ràng có một nghịch lý là trong khi nhu cầu sử dụng rau an toàn thì nhiều, nhưng các cơ sở sản xuất được cam kết về chất lượng lại không thể tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, để phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, mở rộng mạng lưới tiêu thụ để người tiêu dùng hiểu rõ hơn sản phẩm rau đã được chứng nhận; đồng thời, cần làm tốt hơn công tác dự báo, nắm bắt thị trường để định hướng sản xuất, tránh tình trạng “cung vượt cầu” như thời gian vừa qua.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc