Giới trẻ khởi nghiệp từ công cụ online
Vốn ít, không cần mặt bằng, tiếp cận được nhiều khách hàng là những ưu điểm khiến nhiều bạn trẻ hiện nay lựa chọn hình thức kinh doanh qua các trang mạng xã hội…
“Ôm” những rủi ro…
Là người có 5 năm kinh nghiệm bán hàng trên mạng xã hội, bạn Lê Thị Minh Khuê (ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma thuột) cho biết: Hiện nay, mặt hàng được nhiều bạn trẻ chọn kinh doanh qua mạng xã hội chủ yếu là mỹ phẩm, thời trang nữ, đồ ăn vặt… vì vốn đầu tư các sản phẩm này không nhiều, được chị em văn phòng yêu thích. Chỉ cần 2-5 triệu đồng là đã mở một shop nho nhỏ trên mạng. Tuy nhiên, thực tế khi “vào nghề” lại không dễ dàng chút nào… Khuê nhớ lại: “Khi mới kinh doanh, mình chọn mặt hàng quần áo. Dù không quen biết, chỉ giao dịch qua Facebook nhưng mình vẫn tin tưởng lấy hàng từ chủ shop ở Sài Gòn. Đến khi hàng về, cả lô váy, áo đều may lỗi, kiểu dáng và chất liệu vải khác xa so với những gì đã quảng cáo. Lô hàng đó mình đành thanh lý rẻ và chịu lỗ vốn”.
Bạn Phạm Thị Mỹ Linh (bìa phải) tư vấn mỹ phẩm cho khách hàng. |
Còn bạn Đinh Thị Diễm Hương (ở phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã “ôm cục tức” khi chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên mạng. Năm 2014, Hương bỏ ra 4 triệu đồng để nhập các đồ ăn nhập khẩu về bán. Nhưng những khách hàng đầu tiên lại khiến cô bạn “nhớ đời”. “Có người yêu cầu giao hàng đến tận nơi, nhưng khi nhân viên giao hàng đến thì không lấy vì… “tự dưng không thích”. Còn khách ở xa, vì không muốn mất lòng nên giao hàng trước lấy tiền sau. Một số người vô tư nhận hàng mà không gửi tiền trả, mình gọi lại thì điện thoại “ò í e”…”, Hương ngao ngán kể.
Thành công nhờ nỗ lực
Là một trong những shop mỹ phẩm nổi tiếng nhất ở Buôn Ma Thuột, ít ai biết rằng chủ shop Linh House (53 Bà Triệu, TP. Buôn Ma Thuột) cũng từng khởi nghiệp trên mạng xã hội với số vốn chỉ 5 triệu đồng. Cô chủ trẻ tuổi Phạm Thị Mỹ Linh chia sẻ bí quyết: “Đa phần các bạn trẻ mới kinh doanh đều không có nhiều tiền, lại sợ thua lỗ nên chỉ đặt hàng theo đơn khách đặt. Chính vì vậy nên khách hay phải chờ, nhiều người khó tính muốn có hàng ngay, thế là “mất khách”. Chính vì thế, kinh nghiệm đầu tiên là hàng phải có sẵn. Mình không nhập tràn lan mà chỉ tập trung bán các dòng sản phẩm mình hiểu rõ. Thay vì “cóp pi” các bài viết giới thiệu sản phẩm trên mạng, mình tự tay viết những cảm nhận về các sản phẩm đó và nhanh chóng thu hút được khách hàng”. Hiện doanh thu shop mỹ phẩm của Linh khoảng 900 triệu/tháng với hàng trăm lượt khách mua hàng mỗi ngày.
Bạn Mai Thị Bích Trâm là chủ shop bán giày khá nổi tiếng trên mạng xã hội. |
Còn quan điểm của bạn Mai Thị Bích Trâm (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), muốn thành công là không được bỏ cuộc. Dù có thời điểm khó khăn phải nghỉ kinh doanh 1 năm nhưng Trâm vẫn theo đuổi đam mê của mình. Hiện “Bối House” đã trở thành cái tên quen thuộc với phái nữ yêu thời trang tại Buôn Ma Thuột. “Mình rút ra kinh nghiệm là phải chăm chút hình ảnh từng sản phẩm. Đó phải là hình thật với nhiều góc độ. Mình luôn cập nhật các sản phẩm giày dép là những xu hướng mới nhất trên thị trường. Đặc biệt, bàn đừng là người bán hàng mà hãy là người tư vấn, chia sẻ và giải quyết nỗi lo khi mua hàng trên mạng của khách” – Bích Trâm chia sẻ.
Với Trâm, một khi đã có ý tưởng khởi nghiệp là không chần chừ. Trâm luôn tâm niệm: "Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất rồi phát triển mạnh hơn. Đừng để bất cứ lý do gì cản bước bạn thực hiện giấc mơ của mình".
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc