Multimedia Đọc Báo in

Hàng kém chất lượng tràn về nông thôn

09:05, 15/03/2018

Tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, hàng giả, nhái, kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan. Tâm lý ham “giá rẻ” chính là yếu tố khiến nhiều người tiêu dùng dễ dãi chọn mua những loại hàng này.

Hàng giả, nhái bán chạy hơn hàng thật!

Mấy năm trở lại đây, khi người tiêu dùng ở đô thị ngày càng cảnh giác hơn với hàng hóa không rõ nguồn gốc thì nhanh chóng, nhiều mặt hàng có chất lượng “tù mù” này đổ dồn về vùng nông thôn để tìm “đất sống”.

Dạo quanh nhiều chợ ở các vùng nông thôn trong tỉnh, hàng hóa bày bán phong phú, đủ loại, hầu như chẳng thiếu thứ gì. Nhưng “mẫu số chung” của các món hàng này là chất lượng rất khó kiểm chứng.

Tại chợ Trung tâm huyện Krông Bông, hàng hóa bày bán đa dạng. Điều đáng nói là không ít các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như đường, mì chính, dầu ăn, bánh, kẹo...  khó có thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ vì không nhãn mác.  Theo tìm hiểu, các mặt hàng này được tiểu thương nhập hàng về theo từng bao lớn và cân ký để bán lẻ cho khách.

Chuyến đưa hàng Việt về nông thôn ở Ea Súp được đông đảo bà con hưởng ứng.
Chuyến đưa hàng Việt về nông thôn ở Ea Súp được đông đảo bà con hưởng ứng.

Ở nhiều tiệm tạp hóa cạnh chợ, bánh kẹo bán ra có đủ chủng loại, nhưng hầu hết là hàng nhái các thương hiệu lớn, còn tìm được hàng chính hãng không phải là dễ. Điều đáng nói hơn, thị trường nông thôn xuất hiện khá nhiều các sản phẩm có tên “na ná” giống nhau. Chẳng hạn, gói bánh Chocopie của Orion thì cũng có loại khác với bao bì gần giống nhưng được gắn nhãn Chocopai hoặc Choco.bic; bánh Custas và Custard, nước Aquafina và Aqualav, bột ngọt Ajinomoto thì cũng có loại là Ajmote. Ngay cả đến đồ gia dụng công nghệ, bếp gas Rinnai của Nhật Bản lại được nhái thành Ruinai, Funai...

Theo lời một người bán, cùng một mặt hàng với hai tên gọi gần giống nhau nhưng giá thì chỉ bằng ½ giá của hàng chính hãng. Thường thì mặt hàng nào giá rẻ hơn lại được ưa thích và có khá nhiều người mua.

Quan sát tại nhiều nơi, hầu như vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng khi mua hàng chẳng mấy khi quan tâm về nhãn mác, nguồn gốc hay hạn sử dụng của sản phẩm. Câu hỏi đầu tiên họ đặt ra với người bán là giá bao nhiêu và so sánh các sản phẩm cùng loại có trên thị trường.

Tìm hiểu được biết, trừ những mặt hàng đã có thương hiệu được bán ở các đại lý phân phối tại địa phương thì hầu hết hàng hóa bán lẻ ở vùng nông thôn đều được nhập từ các xe hàng di động đi theo chuyến. Ưu tiên chính để người bán nhập là hàng hóa có giá rẻ.

Cần sự hợp sức của người tiêu dùng

Với tỷ lệ hơn 70% dân số của tỉnh là ở vùng nông thôn thì đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để kích sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, thị trường này lại đang thu hút nhiều hàng hóa có nguồn gốc trôi nổi, chất lượng khó đoán. Hàng Việt, chất lượng bảo đảm chỉ chiếm thị phần khá khiêm tốn.

Người tiêu dùng mua sắm tại chợ Trung tâm Krông Bông.
Người tiêu dùng mua sắm tại chợ Trung tâm Krông Bông.

Trong khi đó, đáng báo động hơn, hiện nay các mặt hàng có thương hiệu phổ biến lại càng bị làm giả, nhái nhiều hơn. Với đặc điểm bao bì, tên gọi... “na ná’ giống nhau, nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt được. Đó là chưa kể, xu hướng tiêu dùng của người dân vùng nông thôn rất ít khi chú ý xem kỹ bao bì, thông tin về hàng hóa cũng như đặc điểm nhận dạng. Lợi dụng thói quen tiêu dùng trên, hàng kém chất lượng càng có cơ hội tung hoành, và thị trường nông thôn trở thành “đại bản doanh” cho hàng giả, nhái, kém chất lượng lộng hành, còn người tiêu dùng thì “vô tình” tiếp tay cho gian thương trục lợi.

Trên thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương lại, sản xuất hàng giả,  nhái, kém chất lượng không chỉ làm thất thu ngân sách, trì trệ nền sản xuất mà quan trọng hơn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ tính riêng năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện 654 vụ vi phạm về hàng giả, nhái, gian lận thương mại; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trên 4,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 2,5 tỷ đồng.

Từ thực tế trên cho thấy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là nỗ lực từ phía cơ quan chức năng mà rất cần sự chủ động của người tiêu dùng. Thái độ kiên quyết từ chối hàng giả, nhái của người mua chính là sự tẩy chay đối với hàng hóa vi phạm và bảo vệ cho sức khỏe của chính mình. Còn nếu không có được điều này thì sự nỗ lực của cơ quan chức năng cũng như “ném đá ao bèo”.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc