Multimedia Đọc Báo in

Hội viên nông dân xã Ea Đrông sử dụng hiệu quả vốn vay

08:48, 30/03/2018

Hội Nông dân xã Ea Đrông (TX. Buôn Hồ) hiện có hơn 2.000 hội viên sinh hoạt tại 21 chi hội; trong đó, hội viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Do nhận thức còn hạn chế, một số nông dân còn thụ động, trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước, vào tổ chức Hội dẫn đến tỷ lệ hội viên nghèo còn cao.

Thực hiện vai trò là “cầu nối”, nhiều năm qua Hội Nông dân xã Ea Đrông đã có nhiều cách làm hay giúp hội viên tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, từng bước thoát nghèo.

Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, ngoài việc tổ chức bình xét đúng đối tượng, các tổ vay vốn do Hội Nông dân xã Ea Đrông quản lý còn tăng cường công tác kiểm tra các hội viên sử dụng hiệu quả vốn vay. Song song với đó, Hội còn chủ động phối hợp tổ chức các hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi… nhằm trang bị cho hội viên kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tận dụng nguồn thu trên cùng một đơn vị diện tích. Anh Y Loang Niê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Đrông cho biết: Từ năm 2012 đến nay, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã cho 834 lượt hộ vay với số tiền trên 26,6 tỷ đồng; hỗ trợ 51 con bò giống, 1.461 con ngan giống cho 347 hộ, 2.390 cây bơ cho 135 hộ, 1.163 cây tiêu, 83 tấn lúa giống, 600 tấn phân trả chậm, gần 24.000 cây trồng phân tán các loại…. Bên cạnh hỗ trợ vốn giống, Hội còn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y thị xã và các công ty phân bón tổ chức 235 buổi hội thảo, tập huấn cho hơn 19.000 lượt hội viên về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng và vật nuôi.

 Chị H'Nghen Niê trong vườn tiêu trồng xen  cây ăn trái  của gia đình.
Chị H'Nghen Niê trong vườn tiêu trồng xen cây ăn trái của gia đình.

Những giải pháp tích cực như trên đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nuôi con ăn học; không có tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu… Như  trường hợp gia đình chị H’Chơ Mlô (buôn Klat C) trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào thu nhập từ công việc làm thuê của hai vợ chồng. Đầu năm 2006, với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình chị được vay 6 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, lại được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chị H’Chơ đầu tư nuôi lợn thịt. Nhờ chăm chỉ lao động, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định. Tháng 4-2017, chị H’Chơ tiếp tục vay 30 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư chăm sóc vườn cà phê, trồng thêm tiêu. Tương tự, trước đây vợ chồng anh Y Bom Mlô và chị H’Nghen Niê (buôn Alegõ) cũng có cuộc sống rất khó khăn. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, vợ chồng Y Bom đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ biết tính toán cộng với chăm chỉ lao động nên gia đình anh không còn phải lo chạy ăn từng bữa như trước kia. Hiện nay, với số tiền vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo, từ những kiến thức qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, anh Y Bom đã mạnh dạn đầu tư chăm sóc hơn 400 trụ tiêu trồng xen trên 6 sào cà phê, cây ăn trái; tận dụng nguồn phân bón từ chăn nuôi để chăm bón cho cây trồng.

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã Ea Đrông có 188 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo; trong đó, nhiều hộ trở thành điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, số hộ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên xuất hiện ngày càng nhiều. Như gia đình ông Nguyễn Đức Din (thôn 10) chăn nuôi nhím, gà, heo và trồng cà phê, tiêu cho thu nhập bình quân 300 - 400 triệu đồng/năm; ông Trần Quang Hoàng (thôn 6) kinh doanh mặt hàng trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, thu mua hàng nông sản và trồng tiêu, cà phê  thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm; hộ ông Y Blok Kriêng (buôn Klat C) trồng cà phê, tiêu và các loại cây ăn quả hằng năm thu từ 200 – 250 triệu đồng…

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.