Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm tự động vào sản xuất

08:34, 27/03/2018

Trong những năm qua, hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động được bà con nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar áp dụng ngày càng nhiều, không chỉ với cây hoa màu mà còn đối với nhiều loại cây công nghiệp.

Cách làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ tiết kiệm công lao động mà còn giảm được lượng nước tưới cho cây trồng, góp phần tạo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đây, mỗi khi tưới nước cho 1,6 ha chanh dây và bơ của gia đình, anh Y Phen Niê (ở buôn Yao, xã Ea Tul) phải huy động ít nhất 2 – 3 người kéo ống và rải ống dọc theo các hàng cây để tưới vào từng gốc; khi tưới xong cũng phải mất chừng ấy công lao động để thu gom, cuộn ống lại. Nhận thấy việc làm này vừa tốn công vừa tốn nước mà hiệu quả không cao, đầu năm 2017, qua tìm hiểu trên Internet, anh Y Phen đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây của gia đình. Hệ thống tưới tự động có cấu tạo đơn giản, gồm: hệ thống ống nước, ống phun và mô tơ bơm nước. Anh Y Phen cũng là một trong những hộ dân đầu tiên ở địa phương áp dụng mô hình tưới nước tự động trên cây trồng.

Anh Y Phen Niê giới thiệu về mô hình tưới nước tiết kiệm  tự động của gia đình.
Anh Y Phen Niê giới thiệu về mô hình tưới nước tiết kiệm tự động của gia đình.

Giờ đây, việc tưới nước cho vườn chanh dây và bơ của gia đình anh Y Phen thuận lợi hơn rất nhiều. Mỗi lần tưới chỉ cần đóng, ngắt cầu dao và đi kiểm tra dòng chảy của đường ống. Đặc biệt, hệ thống tự động này không chỉ phục vụ tưới nước mà còn được anh sử dụng để bón phân cho cây trồng, phân bón được hòa tan trong một bể chứa và theo hệ thống ống dẫn tưới vào gốc cây. Anh Y Phen chia sẻ: “Chi phí đầu tư hệ thống tưới nước tự động cũng không nhiều, chỉ tốn khoảng 16 triệu đồng. Giờ chỉ cần một người là đủ, vừa tưới, vừa có thể làm việc khác. Trước kia tưới bằng tay lượng nước bị thất thoát rất nhiều, những chỗ không cần tưới vẫn phải tưới, còn bây giờ chỉ tưới ở những chỗ cần tưới thôi. Tôi thấy hệ thống tưới tiết kiệm tự động này thực sự hiệu quả”.

Trong điều kiện khí hậu, thời tiết những năm gần đây diễn biến phức tạp, hạn hán thường xuyên xảy ra, mực nước tại các ao, hồ, sông, suối… bị sụt giảm khiến nhiều diện tích cây trồng đứng trước nguy cơ thất thu vì thiếu nước tưới thì việc bà con nông dân chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động là một giải pháp hết sức hữu ích, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán xảy ra.

Ngoài anh Y Phen Niê, nhiều hộ trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng đã áp dụng mô hình tưới tự động cho cây trồng. Để giúp người nông dân tìm hiểu và ứng dụng hiệu quả hệ thống này vào thực tế sản xuất của gia đình, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động phối hợp triển khai xây dựng mô hình về tưới nước tiết kiệm trên cây trồng. Năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống nhỏ giọt của Israel cho cây hồ tiêu tại buôn Ea Sang B (xã Ea H’đing) trên diện tích 0,5 ha, với tổng kinh phí thực hiện hơn 35 triệu đồng, trong đó hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ 70% kinh phí. Đây là một trong những phương pháp sử dụng công nghệ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm được áp dụng rộng rãi trên thế giới và mang lại hiệu quả cao. Qua 8 tháng triển khai, mô hình tưới nước tiết kiệm này đã phát huy tác dụng, lượng nước tưới tiết kiệm được khoảng 50% so với tưới truyền thống; đồng thời người dân có thể kết hợp tưới nước với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật…

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc tưới tiết kiệm tự động không những giúp người nông dân đỡ tốn công lao động mà còn tiết kiệm được một phần nước tưới. Bên cạnh đó, việc tưới nước tự động giúp cây trồng thẩm thấu dòng nước từ từ, đều khắp toàn bộ thân cây nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao.

Trung Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.