Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Tập trung gỡ "vướng" mặt bằng cho các dự án

08:04, 28/03/2018

Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn trên địa bàn huyện Ea H’leo đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB), nên tiến độ triển khai chậm.

Chưa đủ mặt bằng sạch triển khai dự án

Những năm gần đây, huyện Ea H’leo đã thu hút được một số dự án đầu tư ngoài cụm công nghiệp quy mô lớn về chăn nuôi, trồng ca cao, điện gió… Các dự án này có đòi hỏi quỹ đất lớn, nhưng nhiều diện tích đất đã giao cho nhà đầu tư bị người dân lấn chiếm, xâm canh nên doanh nghiệp rất khó GPMB, tạo quỹ đất sạch để thực hiện dự án.

Năm 2015, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Phước Thành được UBND tỉnh cho thuê 730 ha tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo để đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp nông – công nghiệp xanh Phước Thành Tây Nguyên. Hiện doanh nghiệp này đã đầu tư 66 tỷ đồng triển khai các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng vùng dự án. Về công tác GPMB, công ty đã lập hồ sơ, chi trả tiền hỗ trợ GPMB cho 180/277 hộ với diện tích 245,9 ha, tổng số tiền chi trả hơn 8,6 tỷ đồng, còn lại 234 ha chưa giải phóng được. Đặc biệt tại một số hạng mục quan trọng của dự án, nhà đầu tư vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng như khu vực chuồng nuôi bò đang bị 4 hộ dân xâm lấn với diện tích hơn 16 ha, khu nhà máy bị 6 hộ xâm lấn (gần 15 ha), đường trục chính có 18 hộ xâm canh (gần 37,4 ha). Các hộ dân này là đồng bào  dân tộc thiểu số tại chỗ và một số trường hợp ở tỉnh Gia Lai sang xâm canh. Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc công ty cho biết, do vướng mắc trong công tác GPMB, các hộ xâm canh không chịu nhận tiền hỗ trợ, bàn giao đất đang khiến tiến độ dự án triển khai một cách ì ạch, kéo dài.

Khu vực chuồng trại của Dự án Khu  liên hợp nông - công nghiệp xanh  Phước Thành  Tây Nguyên tại xã Ea Sol, huyện  Ea H’leo.
Khu vực chuồng trại của Dự án Khu liên hợp nông - công nghiệp xanh Phước Thành Tây Nguyên tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo.

Tương tự, Công ty TNHH CIC Highland được UBND tỉnh giao 719 ha tại tiểu khu 49, 50 và 51 xã Ea Wy từ năm 2016 để thực hiện Dự án trồng cây ca cao. Theo phương án bồi thường, hỗ trợ được đưa ra, có 156 hộ lấn chiếm với tổng diện tích 350 ha được bồi thường, hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc, cây trồng và hoa màu trên đất, tổng kinh phí gần 23,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 24 hộ nhận hỗ trợ, bồi thường, tổng kinh phí gần 2,7 tỷ đồng đối với diện tích hơn 61,5 ha nằm rải rác tại nhiều khu vực. Do chưa có quỹ đất, nhà đầu tư phải dừng việc dọn ủi, thi công các hạng mục, một số máy móc, thiết bị nhập khẩu về chưa thể lắp ráp; hàng trăm ngàn cây giống đưa về nhưng không thể trồng nên bị chết, giảm chất lượng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Tìm giải pháp gỡ vướng

Vướng mắc về GPMB không những làm chậm tiến độ thực hiện của chủ đầu tư mà còn dẫn đến khó khăn cho huyện trong công các quản lý Nhà nước. Theo quy định, đối với các dự án trên thì trách nhiệm GPMB là của các chủ đầu tư trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án về mức giá bồi thường, hỗ trợ; huyện chỉ giám sát hỗ trợ doanh nghiệp về mặt cơ chế, thủ tục thực hiện. Nguồn gốc đất của các dự án này phần lớn là đất do UBND tỉnh thu hồi của các công ty lâm nghiệp giao lại cho nhà đầu tư, nên các hộ dân xâm canh chỉ được hỗ trợ về tài sản, cây cối trên đất sản xuất nông nghiệp. Thực tế, phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB của các dự án này đã đưa ra giá cao hơn mức tối đa do UBND tỉnh quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-UBND, ngày 10-11-2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, nhiều hộ không đồng ý với mức giá này và muốn được hưởng lợi ích cao hơn. Bên cạnh đó, một số hộ đã canh tác lâu năm trên vùng dự án mặc nhiên coi đó là “đất của mình” và cũng không hiểu rõ các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ GPMB. Thậm chí, có những hộ cố tình chây ì, không hợp tác, không chịu bàn giao đất; cản trở, đe dọa lực lượng của chủ đầu tư. Cái “lý” của họ là do thiếu đất sản xuất, nếu bàn giao cho doanh nghiệp thì họ không còn đất canh tác. Do đó, nhà đầu tư phải nhiều lần thỏa thuận với người dân, làm công tác “dân vận” thuyết phục họ trả lại mặt bằng nhưng các hộ này vẫn chưa đồng ý.

Một số hạng mục của dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Phước Thành làm chủ đầu tư không thể triển khai do đất bị xâm canh, lấn chiếm.
Một số hạng mục của dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Phước Thành làm chủ đầu tư không thể triển khai do đất bị xâm canh, lấn chiếm.

Về vấn đề này, theo ông Phan Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, các cơ quan chức năng của huyện đã tuyên truyền đến người dân về vai trò của dự án, vận động họ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, huyện đề nghị các nhà đầu tư lên phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB theo hướng có lợi nhất cho người dân và triển khai dự án theo phương thức cuốn chiếu, có mặt bằng đến đâu triển khai đến đó nhằm đẩy nhanh tiến độ; đồng thời nhận con em tại chỗ vào làm việc và liên kết với người dân để triển khai dự án. Đối với người dân tại các xã vùng dự án sẽ kiểm tra, rà soát quỹ đất thực tế nếu không có đất sản xuất sẽ xem xét, bố trí…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.