Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Nỗ lực giữ vững các tiêu chí ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới

08:46, 29/03/2018

Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Krông Pắc đã có 5/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Sau khi được công nhận, các xã đạt chuẩn vẫn không ngừng nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Sau 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện Krông Pắc đã có 5 xã đạt chuẩn NTM. Để giữ vững các tiêu chí đã đạt theo hướng bền vững, nhất là tiêu chí dễ biến động, các xã đã tạo được sự đồng thuận cao của toàn dân trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường…

Đơn cử như xã Hòa Đông, sau 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hòa Đông trở thành một trong những xã đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới. Ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, được công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2015 chỉ là kết quả ban đầu, bởi vẫn có những tiêu chí chưa hoàn thiện ở một số công đoạn. Chính vì vậy, xã đã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã tiếp tục vận động người dân tham gia đóng góp (tiền, ngày công) làm đường giao thông, đồng thời trích ngân sách hỗ trợ 400 triệu đồng/km.

Từ năm 2016 đến nay, nhân dân trong xã đã làm thêm được 6,4 km đường bê tông, đồng thời kéo điện thắp sáng các trục đường ngõ, xóm, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn trở nên hiện đại, sạch đẹp hơn. Hiện hệ thống đường giao thông các loại trên địa xã đã đạt chuẩn chiếm gần 90%, không còn đường bị lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư, với 16 hội trường thôn và Nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn; 100% hộ có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, không có nhà tạm, nhà dột nát…Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã chủ động tuyên truyền cho người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại nhỏ đối với các hộ dân có đủ điều kiện về đất đai, lao động… Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 41 triệu đồng, cao hơn năm 2015 trên 8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,6%.

Đường ngõ xóm của xã Hòa Đông được đầu tư bê tông hóa.
Đường ngõ xóm của xã Hòa Đông được đầu tư bê tông hóa.

Ngoài ra, đối với các tiêu chí “mềm” khó giữ như môi trường, an ninh trật tự, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cụ thể, đối với tiêu chí môi trường, cùng với việc tuyên truyền, xã đã duy trì các tổ tự quản đảm nhận các tuyến đường vệ sinh môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong phân loại, thu gom, xử lý nước thải, rác thải. Đối với tiêu chí an ninh trật tự xã hội, đây được xác định là tiêu chí có nhiều biến động nhất, địa phương đã tập trung củng cố, nhân rộng các mô hình cộng đồng tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, buôn…

Tương tự, xã Ea Kly cũng về đích NTM từ năm 2015. Ngay sau khi đạt chuẩn, xã đã xác định việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Theo đó, xã đã đặt mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời hoàn thiện cứng hóa hệ thống giao thông trục thôn xóm. Cụ thể, xã phối hợp với các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Cà phê 719 và một số công ty về cây giống khác liên kết với bà con phát triển sản xuất các lúa giống, lúa thương phẩm, đồng thời thực hiện bao tiêu sản phẩm cho bà con, với tổng diện tích 1.400 ha; phát triển các mô hình hiệu quả cao như trồng ngô (để làm ngô luộc) với diện tích gần 100 ha… Đối với tiêu chí giao thông, từ khi đạt chuẩn đến nay nhân dân đã tham gia xây dựng được gần 20 km đường bê tông, với tổng giá trị 20 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 80% kinh phí. Ngoài ra, để giữ vững các tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự, xã tiếp tục vận động nhân dân thuê các đơn vị thu gom rác thải để thu gom, vận chuyển rác đến bãi rác, không vứt rác bừa bãi, giữ môi trường xanh, sạch, đẹp; vận động nhân dân thực hiện từng thôn, xóm, gia đình không có tội phạm, tệ nạn xã hội và không có người vi phạm Luật Giao thông… Hiện toàn xã đã có 20/32 thôn có xe thu gom rác thải; từ năm 2015 đến nay an ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững.

Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tại xã Hòa Đông.
Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tại xã Hòa Đông.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, cùng với xã Hòa Đông, Ea Kly, các xã đạt chuẩn khác cũng đang nỗ lực hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí đã đạt theo hướng bền vững. Để hỗ trợ cho các xã giữ vững danh hiệu xã NTM, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, huyện đã lập quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đồng thời thành lập các hợp tác xã có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện cũng xây dựng kế hoạch đề nghị tỉnh đầu tư cứng hóa các tuyến đường trục xã chưa được đầu tư; tiếp tục đầu tư bê tông hóa hoặc cấp phối đá dăm các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, đường nội đồng; triển khai xây dựng các khu dân cư theo quy hoạch được phê duyệt, có kế hoạch hỗ trợ nâng cấp nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách…

Ban chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Krông Pắc cho biết, theo Quyết định số 372/QĐ-TTg, ngày 14-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM thì sau 5 năm kể từ khi về đích NTM, các địa phương sẽ phải xét công nhận lại. Do đó, các xã đã đạt chuẩn cần phải nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí để khỏi bị loại khỏi danh sách đạt chuẩn.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.