Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững: Sự "cam kết" từ hai phía
"Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững” là chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) và cũng là chủ đề xuyên suốt hướng đến người tiêu dùng trong năm 2018.
Hướng đến người tiêu dùng
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2016, với mục tiêu thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường. Thời gian qua tại Đắk Lắk, nhiều doanh nghịêp (DN) lớn, nhỏ, hợp tác xã đã chú trọng nhiều đến việc sản xuất “xanh”.
Anh Phùng Văn Nhớ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Linh Chi Việt (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, các loại nấm linh chi, sò, bào ngư, nấm mèo… của công ty trồng được người tiêu dùng đón nhận khá tốt. Đây là những sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu cao bởi nấm sạch, không chất bảo quản, kích thích và không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Đặc biệt, theo anh Nhớ, do sản xuất theo quy trình khép kín, chủ động được từ khâu nguyên liệu, chọn giống đến nuôi trồng, những bụi nấm này đều do tự tay anh tìm hiểu, lai tạo, nuôi cấy để hình thành nên những phôi nấm nên bảo đảm an toàn. Trung bình mỗi tháng trang trại của anh cung ứng ra thị trường hơn 4 tấn nấm các loại, ngoài ra, còn cung cấp phôi giống cho các cơ sở trồng nấm khác.
Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột tuyên truyền khách hàng tiết kiệm túi ni lon. |
Không chỉ DN sản xuất, ở lĩnh vực phân phối, dịch vụ, nhiều siêu thị như Co.opmart Buôn Ma Thuột, Vinmart… cũng chú trọng triển khai và áp dụng chính sách tiêu dùng xanh trong mua sắm nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng bền vững. Theo ông Bùi Quang Hòa, Phó Giám đốc Co.opmart Buôn Ma Thuột, nhiều năm nay, đơn vị đã đưa vào sử dụng túi nilon tự hủy thay cho túi thông thường. Trung bình mỗi tháng, siêu thị này sử dụng hết khoảng 80.000 chiếc túi tự hủy để đựng hàng cho khách, đồng thời vận động nhân viên, khách hàng tiết kiệm bao bì và ưu tiên dùng túi sử dụng nhiều lần. Giá thành túi tự hủy cao gấp nhiều lần so với túi thông thường, song mục tiêu hướng đến là nâng cao ý thức của người tiêu dùng về tác hại của túi nilon thông thường, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng hạn chế sử dụng và thay thế bằng túi sử dụng nhiều lần. Còn tại Vinmart Buôn Ma Thuột, hàng hóa của các DN sản xuất xanh được siêu thị trưng bày tại một khu riêng biệt để người mua dễ nhận diện và ưu tiên mua sắm nhằm kích thích được người dân đẩy mạnh tiêu dùng xanh.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Khái niệm “tiêu dùng xanh”, “mua sắm xanh” đang dần được nhiều người dân Đắk Lắk biết đến và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho hay, không chỉ là việc mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhiều người tiêu dùng trên địa bàn hiện nay rất chú trọng đến quyền được thông tin của mình. Họ sẵn sàng chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn để mua hàng hóa sạch, an toàn nếu biết rõ thông tin về sản phẩm đó. Trước xu hướng đó, tại TP. Buôn Ma Thuột hiện nay cũng không ngừng “mọc” lên các cửa hàng, chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, an toàn và đã được cơ quan chức năng cấp phép để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong tiêu dùng hằng ngày, nhiều người cũng ý thức được việc tránh xả thải ra môi trường, dù là những hành động nhỏ nhất để góp phần tự bảo vệ mình và bảo vệ môi trường sống. Nhiều năm qua, chị Lã Hồng Thủy (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn giữ thói quen xách những chiếc hộp nhựa để đi chợ hằng ngày thay vì cho hết thực phẩm vào trong túi nilon. Bởi theo chị, loại vật dụng khó phân hủy này sẽ gây nhiều tác hại đến môi trường sống nên càng hạn chế sử dụng được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Có thể nói, thói quen tiêu dùng bền vững được hình thành ngày càng phổ biến trong người tiêu dùng, từ đó sẽ tác động ngược trở lại nhà sản xuất, buộc họ phải cho ra đời nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, kích thích nền sản xuất bền vững. Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng cũng như các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo kinh doanh lành mạnh, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối.
Tiêu dùng bền vững là chú trọng đến toàn bộ vòng đời sản phẩm làm sao để việc sử dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng tái tạo và không thể tái tạo đạt được hiệu quả nhất. Cụ thể, đó là việc giúp giảm đi lượng nguyên liệu và mức độ năng lượng sử dụng cho một đơn vị sản phẩm. Ngoài sản phẩm, tiêu dùng bền vững cũng có thể được mở rộng ra cho các đối tượng khác như dịch vụ, các tài nguyên thiên nhiên, điện, nước, đất… |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc