Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong vụ đông xuân

08:48, 30/03/2018

Khoảng 1 tháng nữa người dân huyện Krông Bông sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch đông xuân. Nhờ chủ động xuống giống sớm, nhiều địa phương trong huyện nông dân đang bắt đầu vụ thu hoạch với niềm vui được mùa.

Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện Krông Bông đã gieo trồng được 4.447,9 ha cây trồng, trong đó lúa nước có 3.388 ha, tăng hơn 6% so với kế hoạch đề ra. Ea Trul là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Krông Bông bắt đầu tiến hành thu hoạch vụ lúa đông xuân. Đến thời điểm hiện tại đã có 160 ha lúa nước của xã đã cho thu hoạch, với sản lượng 600 tấn, năng suất bình quân đạt 37,5 tạ/ha. Số diện tích chính vụ đang thời kỳ làm đòng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại. Ông Trần Văn Son (thôn 3) chia sẻ, gia đình ông có 1 ha ruộng, năm nay nhờ chủ động xuống giống sớm nên không bị ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng đạt gần 5 tấn, cao hơn năm ngoái. Ông Ngô Văn Năm (cán bộ Nông nghiệp xã Ea Trul) cho biết, Ea Trul là một trong những địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng của nắng hạn. Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra cho người dân, vụ đông xuân 2017-2018 xã đã phối hợp với ngành chuyên môn triển khai cho bà con gieo trồng sớm trước 1 tháng so với lịch thời vụ. Bên cạnh đó, xã cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết nước và lịch tưới khi nguồn nước xuống thấp cho từng vùng để bảo đảm cho cây lúa phát triển.

Người dân thôn 3, xã Ea Trul đang bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân.
Người dân thôn 3, xã Ea Trul đang bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân.

Mặc dù gặp nhiều thuận lợi về thời tiết do chủ động gieo cấy sớm nhưng còn gần 1 tháng nữa mới thu hoạch rộ. Do vậy Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông khuyến cáo người dân vẫn nên tích cực chăm sóc và thăm đồng thường xuyên, đề phòng những diễn biến bất thường của khí hậu.

Hòa Lễ là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng đông xuân lớn nhất cả huyện với 460 ha, trong đó lúa nước chiếm 398 ha. Hiện xã đang tiếp tục vận động người dân tích cực thăm đồng để chăm sóc cây trồng chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Để chủ động trong kế hoạch phòng trừ sâu bệnh, UBND xã Hòa Lễ đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn và các ngành phối hợp cùng với nhân dân nắm bắt tình hình sâu bệnh, chủ yếu là bệnh vàng lá ở lúa nước. Với diện tích lúa lớn nên vấn đề chống hạn được bà con ở đây đặc biệt chú trọng. Ở những địa bàn không có công trình thủy lợi, bà con cũng đã chủ động nguồn nước ao, hồ để tích nước chống hạn, tiết kiệm nước tưới. Bà Trần Thị Ninh (thôn 2) chia sẻ, đến thời điểm này, diện tích gieo trồng của gia đình bà chưa bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Gia đình sạ xong chỉ cần bơm thuốc cỏ, thuốc trừ sâu diệt bọ, trĩ, rồi dặm, bón phân, hy vọng sẽ có một mùa bội thu.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Krông Bông chưa có diện tích cây trồng đông xuân nào bị thiệt hại do nắng hạn. Tuy nhiên, huyện cũng đã xác định được các diện tích sản xuất không có công trình thủy lợi có nguy cơ bị hạn, trên cơ sở đó, các địa phương có biện pháp hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, vụ đông xuân này năng suất sẽ tăng hơn so với năm ngoái.

Băng Châu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.