Krông Bông: Sắn được giá, mất mùa
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, niên vụ 2017, toàn huyện gieo trồng 36.892 ha cây trồng các loại, trong đó có 8.258 ha sắn, chiếm 22% diện tích, tập trung nhiều nhất ở 4 xã cánh đông.
Đến nay, một số diện tích sắn trồng sớm ở xã Hòa Phong đã bước vào mùa thu hoạch; tuy nhiên, đi đôi với niềm vui được giá sắn là nỗi buồn do năng suất giảm.
Sau trận lũ hồi cuối năm 2016 làm sập cầu Cư Păm, chi phí vận chuyển sản phẩm của bà con nông dân ở các xã phía nam của huyện về Nhà máy chế biến tinh bột sắn Krông Bông tăng cao trong khi giá bán sắn thấp khiến người trồng sắn lãi không đáng kể.
Để giải bài toán đầu ra cho sản phẩm, năm nay trên địa bàn huyện có thêm Nhà máy chế biến tinh bột sắn do Công ty TNHH Yên Bình Đắk Lắk đầu tư đứng chân tại xã Cư Pui được cấp phép đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp từ các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh cũng về thu mua sắn với giá cả tăng gấp 1,5 lần so với năm trước. Năm ngoái, mỗi kg sắn tươi có giá dao động chỉ từ 1.300 - 1.700 đồng/ kg thì năm nay Nhà máy Tinh bột sắn Yên Bình Đắk Lắk thu mua từ 2.600 – 2.700 đồng/kg.
Nông dân xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) thu hoạch sắn. |
Giá sắn tăng, đáng lẽ nông dân phấn khởi hơn song điều đáng buồn là do ảnh hưởng cơn bão số 12 cuối năm ngoái, phần lớn diện tích sắn kém phát triển, năng suất giảm hẳn, chỉ đạt từ 60 – 70% so với năm trước. Hơn nữa, phần lớn người trồng sắn là những hộ nông dân khó khăn, luôn phải ứng trước của tư thương nên khi thu hoạch phải bán lại cho họ với giá chỉ 2.000 đồng/kg. Ông Y Mơ Byă (buôn Ngô A, xã Hòa Phong) chia sẻ, cũng trên diện tích 2,8 ha sắn, năm ngoái gia đình ông thu được 70 tấn, với giá bán 1.700 đồng/kg sau khi trừ chi phí còn lãi được 20 triệu đồng. Năm nay, tuy giá cả cao hơn nhưng năng suất chỉ bằng 70% năm trước, lại phải tốn thêm chi phí tưới nước trước khi đào nên lợi nhuận cũng chỉ tương đương năm trước. Gia đình bà H’Đơng Byă (buôn Ngô A, xã Hòa Phong) trồng được 0,5 ha sắn. Do diện tích không nhiều nên gia đình bà tập trung đầu tư phân bón và chăm sóc rất kỹ. Dù vậy, bà cũng chỉ thu hoạch được hơn 8 tấn, giảm 5 tấn so với năm 2016. Bà than thở: “Mặc dù nhà máy thu mua với giá cao, song để có tiền đầu tư chúng tôi phải vay mượn trước của tư thương nên thực tế chỉ bán được với giá 2.000 đồng/kg. Thu chỉ đủ bù chi”. Ông Y Đinh Sơ Ao (buôn Cư Phiăng, xã Hòa Phong) thì có cách làm bài bản hơn. Hằng năm, ngay từ đầu vụ ông ký hợp đồng với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Krông Bông, nhận đầu tư phân, giống và bao tiêu sản phẩm. Để không bị thoái hóa đất, gia đình ông chủ động luân canh trồng sắn trên những diện tích khác nhau nên bình quân năng suất đạt 45 tấn/ha. Với 3 ha, năm ngoái gia đình ông thu được 135 tấn, nhưng năm nay năng suất giảm hẳn, may lắm cũng chỉ đạt khoảng gần 35 tấn/ha, đồng nghĩa với việc giá trị thu nhập trên đầu diện tích tăng không đáng kể.
Thiết nghĩ, để phát triển cây sắn bền vững trên vùng đất kém màu mỡ, nông dân cần liên kết với những nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn để được cung ứng vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm, hạn chế rủi ro do tác động của thị trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường hướng dẫn khoa học kỹ thuật, khuyến cáo các nông hộ tránh trồng sắn trên cùng một diện tích nhiều năm liền bởi việc này không chỉ làm thoái hóa đất mà còn dẫn đến hệ lụy “được mùa mất giá, được giá không có sản phẩm bán”.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc