Multimedia Đọc Báo in

Ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Tăng lợi ích, nhiều thách thức

09:51, 31/03/2018

Chiều 8-3 giờ Chile (rạng sáng 9-3 theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã ký chính thức Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố Santiago (Chile).

Có thể nói, việc ký kết Hiệp định CPTPP là một minh chứng cho xu thế tự do hóa thương mại của khu vực và toàn cầu là không thể đảo ngược được.

Hiệp định CPTPP sẽ tăng cường liên kết cùng có lợi giữa 11 nền kinh tế thành viên, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các quốc gia thành viên nhận được không chỉ là những lợi ích trước mắt, đơn thuần về thương mại khi dỡ bỏ các rào cản về thuế quan cũng như một số lĩnh vực khác, mà quan trọng là những động lực mà Hiệp định sẽ mang lại cho sự phát triển của mỗi nước về kinh tế, chính trị, xã hội.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như môi trường, lao động, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước… CPTPP còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc, chặt chẽ.

Về mở cửa thị trường, CPTPP sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, qua đó, tạo việc làm nhiều hơn cho người lao động và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

CPTPP sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia bằng việc mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5 % GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Việt Nam tham gia CPTPP thể hiện sự quyết tâm và nhất quán thực thi chiến lược của Đảng về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác một cách chủ động và sâu rộng trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Đại diện các nước thành viên tham gia ký kết CPTPP tại Chile.     Ảnh: AFP
Đại diện các nước thành viên tham gia ký kết CPTPP tại Chile. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tất cả các quốc gia thành viên đều đánh giá rất cao về chất lượng của hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này. Với việc CPTPP được ký chính thức, các quốc gia thành viên nhận được không chỉ là những lợi ích trước mắt, đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các rào cản thuế quan cũng như một số lĩnh vực khác, mà vấn đề quan trọng, cơ bản là những động lực mà Hiệp định sẽ mang lại cho sự phát triển của mỗi nước về các khía cạnh về kinh tế, chính trị, xã hội. Việc Việt Nam tham gia ký CPTPP chính là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác; là minh chứng cho việc Việt Nam tiếp tục thực thi một cách quyết tâm và nhất quán chủ trương và chiến lược của Đảng, chính sách của Nhà nước trong hội nhập một cách chủ động, sâu rộng. CPTPP có thể nói là biểu hiện ở mức độ mới, trình độ mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động để xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ, trong đó việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải rà soát pháp lý và điều chỉnh các khung pháp luật của Nhà nước để thực hiện nội luật hóa những cam kết hội nhập của Hiệp định CPTPP. Tiếp đó là tổ chức công bố và cung cấp thông tin đầy đủ cũng như thực hiện các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về CPTPP cho tất cả các đối tượng chủ thể hội nhập quốc tế của Việt Nam…

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, ngay cả khi dựa trên những nhận định thận trọng thì Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP cho Việt Nam tính đến thời điểm năm 2030. Với giả định thêm phần tăng năng suất, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%.

Với Việt Nam, CPTPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có tầm quan trọng như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng quan trọng và cơ bản hơn là CPTPP sẽ tác động tới cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn hơn. CPTPP sẽ mang lại lợi ích cho những doanh nghiệp chủ động đáp ứng những đổi thay về môi trường kinh doanh, đổi mới tư duy kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh.

Mức thuế nhập khẩu bình quân từ các thị trường CPTPP hiện nay là 1,7%, mặt khác, còn áp dụng nhiều hàng rào phi thuế. Nhưng với CPTPP, toàn bộ hàng công nghiệp Việt Nam thuế nhập khẩu về 0%, thậm chí có nước dành cho Việt Nam trên 90% mặt hàng thuế về 0%, ngay khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Nhật Bản… giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 4,2% theo tính toán của Bộ Công thương.

Cũng theo WB, đến năm 2030, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ lên 89 tỷ USD và CPTPP sẽ giúp Việt Nam giảm nghèo, năm 2025 và 2030 sẽ có tương ứng 0,9 và 0,6 triệu người thoát nghèo.

CPTPP cũng mang lại lợi ích trước các rào cản phi thuế như: khi nhập khẩu động thực vật, thời gian để công nhận sản phẩm đó sẽ nhanh hơn nhiều, từ 5-7 năm ở các nước phát triển xuống còn trung bình 1-2 năm.

Theo đánh giá của WB, trong dài hạn, khi có CPTPP, lợi ích của Việt Nam không chỉ tăng xuất khẩu mà còn tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu, ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó, sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, CPTPP sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích hơn là bất lợi. Thách thức lớn nhất khi CPTPP có hiệu lực sẽ tập trung vào các lĩnh vực nông sản, chăn nuôi, cụ thể là thịt gà, thịt heo, tuy trong đàm phán, đã cố gắng có được lộ trình phù hợp. Tác động tích cực khác của CPTPP sẽ tạo sức ép cải cách môi trường đầu tư, từ đó giúp tăng thu hút đầu tư.

Tham gia CPTPP, Việt Nam đã bước vào “sân chơi” mới, cuộc đua mới, trong đó bắt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. khi có CPTPP, lợi ích của Việt Nam không chỉ tăng xuất khẩu mà còn tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu, ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó, sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ.

Để biến cơ hội thành thực tế, chúng ta phải có chiến lược tận dụng lợi thế của Việt Nam trong tương quan với các nước CPTPP. Tham gia CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy đinh pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ…, tiến hành các bước đột phá mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Kết hợp hài hòa cải cách thể chế với cam kết hội nhập là rất quan trọng. Phải có “bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao và chất thị trường hiện đại và đầy đủ”. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Tinh thần và nội dung CPTPP cần được phổ biến rộng rãi và đầy đủ đến cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo nông dân, những người chịu rủi ro lớn nhất từ CPTPP.

Hiệp định CPTPP được ký kết cũng như những lợi ích mà hiệp định này mang lại đang khiến CPTPP có triển vọng thu hút sự quan tâm của nhiều nền kinh tế khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tháng 1-2018, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “Washington có thể quay trở lại hiệp định này nếu có một thỏa thuận tốt hơn”. 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa mới đây cũng đã có thư gửi Tổng thống D.Trump  bày tỏ ủng hộ tuyên bố trên của ông, có thể xem xét lại việc Washington tham gia trở lại CPTPP. Trong khi đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo nước này sẽ quyết định có gia nhập CPTPP trong năm nay hay không. Quốc hội Thái Lan tiết lộ, Thái Lan đang cân nhắc việc tham gia hiệp định này. Dự báo cho thấy, số thành viên CPTPP sẽ không dừng lại ở con số 11 như hiện nay mà có thể sẽ tăng lên khi Hàn Quốc, Thái Lan, Philipines, Indonesia đang ngỏ ý sẵn sàng tham gia. Khi đó, CPTPP được kỳ vọng mang lại lợi ích nhiều hơn cho Việt Nam.

Thành công và những lợi ích mà CPTPP mang lại chắc chắn sẽ khiến “mái nhà” này ngày càng có thêm nhiều thành viên mới, thể hiện CPTPP càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong hội nhập, phát triển của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.