Multimedia Đọc Báo in

Mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế

08:49, 30/03/2018

Với định hướng đúng đắn, cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, thời gian qua, nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn huyện M’Đrắk đã xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, nhiều thanh niên đã sáng tạo, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), năm 1998 anh Châu Bửu Hưởng cùng gia đình lên Tây Nguyên lập nghiệp. Học hết lớp 9, anh quyết định nghỉ học vào TP. Hồ Chí Minh học nghề, làm việc phụ giúp gia đình. Anh chọn nghề cơ khí cửa sắt, dù vất vả nhưng phù hợp với cuộc sống và điều kiện đất đai eo hẹp, kinh tế khó khăn của gia đình.

Sau 4 năm chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm nghề, năm 2005, Châu Bửu Hưởng về thôn 4, xã Ea Pil thuê mặt bằng mở cơ sở sản xuất nhỏ với vài dụng cụ cơ bản và 2 triệu đồng vốn vật tư ban đầu. Có cơ sở sản xuất, anh chịu khó đi đến từng thôn, từng gia đình để tìm kiếm nguồn khách hàng và làm việc ngày đêm. Dần dần, tiệm có uy tín nên được bà con tin tưởng đến đặt hàng ngày càng đông, thu nhập nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể. Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, anh Hưởng còn nhận dạy nghề miễn phí và giúp nhiều thanh niên địa phương có việc làm ổn định.

Anh Châu Bửu Hưởng (trái) hướng dẫn thanh niên học nghề tại cơ sở.
Anh Châu Bửu Hưởng (trái) hướng dẫn thanh niên học nghề tại cơ sở.

Từ kế hoạch làm kinh tế của bản thân và tạo việc làm cho thanh niên, năm 2014, Hưởng được Chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (gọi tắt là nguồn vốn 120) của Trung ương Đoàn cho vay 100 triệu đồng phát triển kinh doanh, triển khai dự án tạo việc làm cho thanh niên. Nhờ vậy, anh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất thêm mặt hàng nhôm kính, đầu tư thêm các trang thiết bị như máy cắt nhôm, máy mài… và các vật tư phụ kiện. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, việc làm thời vụ cho 2 lao động là thanh niên địa phương với mức lương trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Cũng với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2016, anh Nguyễn Văn Trung (thôn 3, xã Krông Jing) quyết định từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh trở về quê hương lập nghiệp.

Sau nhiều thời gian tìm hiểu, Trung quyết định thành lập công ty sản xuất gạch không nung trong sự hồ nghi của nhiều người. Trung thì đánh giá thị trường gạch không nung ở địa phương rất tiềm năng, chưa có người kinh doanh sản phẩm này nên sẽ dễ dàng tìm kiếm đầu ra; hơn nữa, người dân đang có xu hướng sử dụng gạch không nung để thay thế cho gạch truyền thống. Giữa năm 2016, Trung quyết định vay mượn 200 triệu đồng để san lấp mặt bằng trên mảnh đất của gia đình, mua máy móc dây chuyền ép gạch, máy trộn bê tông và thuê nhân công.

Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Trung duy trì việc làm cho 6 lao động tại địa phương.
Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Trung duy trì việc làm cho 6 lao động tại địa phương.

Thời gian đầu, xưởng có một máy ép gạch và hai công nhân, trung bình mỗi ngày sản xuất được chưa đến 1.000 viên gạch. Do chưa có kinh nghiệm nên chất lượng gạch không bảo đảm, bán chậm. Không nản chí, Trung chịu khó nghiên cứu, học hỏi, từng bước cải tiến chất lượng sản phẩm, rồi thuê thêm 2 công nhân, mua thêm một máy ép gạch, đồng thời tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ trong toàn huyện. Sản phẩm gạch không nung của Trung dần dần đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý nên đã tạo được uy tín với khách hàng.

Tháng 11-2017, Trung được Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 150 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để mở rộng nhà xưởng, kho bãi. Đến nay, xưởng sản xuất Trung duy trì hoạt động thường xuyên 2 máy ép gạch với hai loại gạch là táp-lô và 4 ống, chủ yếu sử dụng phế phẩm, bụi đá xây dựng và các vật liệu khác. Bình quân mỗi ngày, xưởng cho ra lò gần 10.000 viên gạch, mang lại doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Xưởng gạch của Trung cũng tạo việc làm ổn định cho 6 lao động trong vùng với mức lương 4-6 triệu đồng mỗi tháng.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.