Nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Thiếu chuyên nghiệp và đẳng cấp
Du lịch cũng như bất kỳ ngành nghề nào, nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững và dài hạn luôn là vấn đề đáng quan tâm. Ngành kinh tế du lịch Đắk Lắk trong thời gian qua, cũng như hiện nay đang đối mặt và tìm cách giải quyết vấn đề trên.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đánh giá: Nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng ngành kinh tế du lịch của địa phương hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch, lộ trình phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều dễ nhận thấy nhất là cung cách vận hành, phục vụ du khách tại các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch ở đây còn thiếu chuyên nghiệp và đẳng cấp. Thực tế ấy được bộc lộ qua yếu tố con người, hay nói đúng hơn là nguồn nhân lực hoạt động trong ngành kinh tế quan trọng này.
Du khách thăm và tìm hiểu Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà dẫn báo cáo đánh giá, khảo sát nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch Đắk Lắk được cơ quan thẩm quyền đưa ra gần đây cho thấy: Có gần 70% cán bộ, công chức quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng làm du lịch. Khoảng 50 – 60% người làm quản lý, viên chức tại các doanh nghiệp, các ban quản lý khu, điểm du lịch, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn không nắm vững (thậm chí không có) nghiệp vụ xây dựng, điều hành và kinh doanh du lịch. Đáng nói hơn là có gần 80% người lao động trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp chưa được “xóa mù” về “ngành công nghiệp không khói” này. Còn các cộng đồng, hộ cá thể kinh doanh, khai thác dịch vụ du lịch thì càng bất cập hơn, vì hầu hết họ không biết gì về ngành kinh tế du lịch, kể cả loại hình du lịch cộng đồng vốn thiết thân và gần gũi.
Du lịch voi Đắk Lắk - sản phẩm hấp dẫn du khách. |
Rõ ràng, qua thực tế trên đã chứng tỏ “lỗ hổng” về nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển du lịch Đắk Lắk là rất lớn, cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay đối với ngành kinh tế rất “hot” này.
Vai trò của doanh nghiệp
Theo ông Đinh Một, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch tỉnh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói trên, doanh nghiệp làm du lịch đóng vai trò chủ yếu và quan trọng. Đã đến lúc họ phải nhận thức rốt ráo rằng, yếu tố con người mới làm nên thương hiệu, đẳng cấp của mình. Không nên và không thể bỏ qua yếu tố quyết định ấy để chạy theo lối kinh doanh đắp đổi, “ăn xổi ở thì” như lâu nay vẫn tồn tại trong một số doanh nghiệp.
Du khách trải nghiệm với buôn Ya (xã Hòa Sơn - Krông Bông). |
“Không ít doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Đắk Lắk tuyển dụng lao động phổ thông vào làm du lịch, thay vì đòi hỏi quy luật cạnh tranh thị trường là phải có trình độ, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”.
Ông Đinh Một, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến Du lịch Đắk Lắk
|
Điều đó được hiểu là doanh nghiệp không chịu, hoặc cố tình làm ngơ việc đầu tư một cách chính đáng cho nguồn nhân lực. Thay vì bỏ một khoản tài chính tương xứng để tuyển dụng, thu hút lực lượng lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp và có trình độ cao vào làm việc để nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời khẳng định hình ảnh, vị thế của mình trong lòng du khách, thì không ít doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Đắk Lắk lại chọn “giải pháp tiết kiệm” bằng cách đưa những người “tay ngang”, phổ thông vào làm… du lịch (!?) Nhìn nhận về nghịch lý này, ông Đoàn Văn Quý – Phụ trách Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Ban Mê lý giải: Tất nhiên, với cách làm đó, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí nhờ việc trả lương thấp cho người lao động, nhưng hệ lụy kéo theo rất lớn và khó lường do tính chất cạnh tranh thị trường chi phối. Dễ thấy là khi khách hàng vào một nhà hàng, khách sạn, hay khu/điểm du lịch nào đó có đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ hài lòng hơn so với những nơi phổ thông, đại khái…Và cuối cùng, rất rõ ràng là sự chọn lựa của du khách quyết định sự thành bại của doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề.
Không những thế, nhiều ý kiến còn cho rằng không ít doanh nghiệp làm du lịch không bao giờ mở “hầu bao” để mời thầy và mở lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho người lao động để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Minh chứng cho thực tế này, số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk cho thấy trong hai năm qua (2016 -2017), kinh phí từ phía doanh nghiệp bỏ ra để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển du lịch gần như bằng 0. Tất cả chỉ chờ (hoặc ăn theo) ngân sách Nhà nước. Vì thế đến nay, trong số gần 24.000 lao động trong ngành du lịch của tỉnh mới chỉ có khoảng 20% được tập huấn, đào tạo nghề thông qua kênh hỗ trợ, xúc tiến du lịch Đắk Lắk vốn ít ỏi được bố trí hàng năm từ 2 – 2,2 tỷ đồng. Vì thế, theo ông Đinh Một - để khắc phục hạn chế trên, rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc