Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn mưu sinh trên những ruộng khoai

08:24, 23/03/2018

Vào thời điểm này, nhiều cánh đồng khoai lang trên địa bàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch. Đây cũng là lúc mà những người lao động làm thuê thu hoạch khoai tất bật từ sáng sớm đến tối mịt vì cuộc mưu sinh…

Gần 12 giờ trưa một ngày cuối tháng 3, dưới cái nắng nóng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, trên ruộng khoai lang 8 ha ở xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar), những người thu hoạch khoai vẫn miệt mài với công việc của mình. Đôi tay họ thoăn thoắt bới, nhặt, cho vào sọt theo những luống khoai dài hun hút. Vừa làm, chị Hoàng Thị Phúc (36 tuổi, ở xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) vừa nói: “Chúng tôi có 30 người, nhận khoán thu hoạch ruộng khoai này chỉ trong 6 ngày nên phải gồng lên mà làm. Vì hôm nay là ngày cuối nên càng phải nhanh tay mới kịp”.

Chị Phúc là trưởng nhóm quản lý đội thu hoạch khoai lang thuê.
Chị Phúc là trưởng nhóm quản lý đội thu hoạch khoai lang thuê.

Theo chị Phúc, phần lớn những người đi làm thuê thu hoạch khoai lang đều có hoàn cảnh rất khó khăn do ruộng rẫy ít, không có việc làm ổn định. Những năm gần đây, phong trào trồng khoai lang Nhật nở rộ khắp nơi, diện tích trồng lớn, nhu cầu nhân công nhiều, thế là các chị em trong xóm rủ nhau đi làm để kiếm thêm thu nhập. 

Công việc hằng ngày của những người thu hoạch khoai lang thuê.
Công việc hằng ngày của những người thu hoạch khoai lang thuê.

Nhìn khuôn mặt ai nấy đều lấm lem bụi đất, đôi bàn tay chai sần bởi phải moi, bới củ mới thấy công việc của họ vất vả nhường nào. Sau khi máy cày xới đất xong, họ phải nhanh tay nhặt khoai chất đầy sọt to. Có những củ khoai còn vùi sâu trong đất, họ phải dùng tay bới lên. Sau đó lại gồng mình bưng những sọt củ nặng gần 50 kg đến điểm tập kết cách xa cả trăm mét. “Vì là nhận khoán thu hoạch nên chúng tôi phải hoàn thành một khối lượng công việc nhiều gấp đôi bình thường. Chỉ những ai có đủ sức khỏe mới trụ lại được với công việc này. Bù lại, thu nhập cũng tương đối khá, khoảng 300.000 đồng/người/ngày công” – chị Phúc giãi bày. 

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bà Mai Thị Hạnh (52 tuổi, ở xã Ea Đrơng) góp chuyện: “Đợt này làm gần nhà nên đi về nhà trong ngày được. Có những chuyến đi làm thuê xa cả trăm cây số, chị em chúng tôi phải ăn ngủ trên ruộng khoai luôn”. Bà Hạnh cũng như những người trong nhóm làm thuê ở đây không thể nhớ hết được những lần phải vượt qua quãng đường xa xôi cách trở, có khi phải dắt bộ xe máy chục cây số mới đến được chỗ làm…

Những tiếng cười thi thoảng cất lên trong lúc ăn cơm trưa giúp họ tạm quên đi mệt nhọc.
Những tiếng cười thi thoảng cất lên trong lúc ăn cơm trưa giúp họ tạm quên đi mệt nhọc.

Tầm 13 giờ, mọi người mới bảo nhau nghỉ tay ăn trưa. Mỗi người lại lấy ra một chiếc cà mèn đựng cơm và thức ăn được nấu sẵn ở nhà rồi trải tấm nilon quây quần cùng ăn. Tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi ấy, mọi người lại tâm sự, chia sẻ nhau chuyện gia đình… Có cảm giác những tiếng cười thi thoảng cất lên trong lúc ấy đã giúp họ tạm quên đi những mệt nhọc!

Đến hơn 6 giờ chiều, những người làm thuê trong đội bắt đầu bốc khoai lên xe tải. Trên người họ, chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi quyện đỏ với bụi đất. Cứ thế, họ lầm lũi làm việc cho đến khi những chiếc xe tải được  lấp đầy khoai lang và nổ máy chạy về các vựa thu mua. Lúc ấy, những người thu hoạch khoai thuê mới thu dọn đồ đạc, từng chiếc xe máy nối đuôi nhau trở về nhà sau một ngày mưu sinh vất vả.

Chị Phúc cho biết, từ sau Tết đến nay, đội của chị gồm hơn 30 người đã đi khắp các ruộng khoai ở huyện Cư M’gar, Lắk, Ea Kar… để làm thuê. Vì khoai lang được trồng quanh năm nên không khi nào hết việc. Thu hoạch xong lại tiếp tục trồng khoai thuê, làm cỏ, bón phân, nhặt dây…

Cứ thế, những cánh đồng khoai lang đã trở thành một phần trong cuộc sống mưu sinh của họ.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.