Nông dân Ea Kar năng động làm giàu
Nhờ tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường hướng đến sản xuất an toàn đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ea Kar vươn lên làm giàu.
Năm 2008, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Vũ Văn Quyết ở thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kmút được bố mẹ chia cho 1 sào đất để trồng các loại rau màu, mỗi năm thu được khoảng 30 triệu đồng. Năm 2010, từ nguồn vốn tích cóp được, anh Quyết chuyển hướng sang chăn nuôi gà thịt và heo với quy mô nhỏ. Qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, năm 2013, anh Quyết mạnh dạn xây dựng trang trại chăn nuôi heo theo quy mô khép kín. Đến nay, anh đã có 5 trại chăn nuôi heo gồm 2 trại nái, 1 trại giống và 3 trại heo thịt với quy mô từ 300 - 500 heo thịt/lứa. “Nhờ làm tốt công tác phòng dịch và chăn nuôi theo hướng an toàn nên trang trại của gia đình chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 100 - 120 tấn heo thịt. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi có được lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.”, anh Quyết phấn khởi nói.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Kmút tìm hiểu cách thức xây dựng, phát triển trang trại chăn nuôi của gia đình anh Vũ Văn Quyết. |
Gia đình anh Phạm Xuân Toàn ở thôn 6, xã Xuân Phú cũng là một trong những điển hình nông dân năng động vượt khó vươn lên ở huyện Ea Kar. Có 3 ha đất nhưng chủ yếu là sình lầy, hoang hóa nên trước đây vợ chồng anh chủ yếu tận dụng khu vực đất bằng để trồng hoa màu, số còn lại bỏ hoang. Năm 2016, anh Toàn đầu tư cải tạo 3 ha đất để trồng đậu tương, sau 3 tháng thu hoạch được gần 10 tấn, lãi hơn 90 triệu đồng. Mô hình này đã được 10 hộ trong thôn học tập, nhân rộng vừa giúp cải tạo đất, vừa đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Từ số tiền tích cóp được, anh Toàn tiếp tục đầu tư nạo vét lại ao nuôi, trồng 800 trụ tiêu, nuôi 20 con bò và 50 con heo. Để có thức ăn cho gia súc, anh trồng thêm 3 sào cỏ. Nhờ vậy, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang…
Ngoài những cây trồng, vật nuôi truyền thống, nhiều hộ nông dân huyện Ea Kar đã mạnh dạn đưa vào sản xuất những cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như: anh Đỗ Công Sơn ở thôn 2, xã Ea Sar phát triển mô hình trồng vải U hồng thu về hơn 400 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Đình Chung ở thị trấn Ea Kar với mô hình nuôi yến sào cho thu nhập 50 triệu đồng/tháng; ông Quách Minh Chung ở thôn 12, xã Ea Ô nuôi 600 con vịt trời, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; anh Hoàng Trí Dũng ở thôn 3, xã Cư Elang phát triển 1,5 ha quýt đường, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng…
Anh Phạm Xuân Toàn ở thôn 6, xã Xuân Phú đã tận dụng phế phẩm trong trồng trọt làm thức ăn cho gia súc. |
Theo ông Y Cư Niê, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar, những năm qua, nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã trở thành phong trào rộng khắp, quy mô sản xuất không ngừng tăng lên. Nhiều nông hộ đã áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh sự nhạy bén của hội viên, các cấp Hội Nông dân huyện cũng đã có nhiều hoạt động trợ giúp nông dân phát triển kinh tế. Chỉ tính trong năm 2017, Hội Nông dân các cấp huyện Ea Kar đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tín chấp cho nông dân mua trả chậm 134 tấn phân bón các loại; giúp 5.945 hộ nông dân vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ gần 121 tỷ đồng. Nhờ vậy, rất nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu, hình thành các vùng chuyên canh lúa nước, bò sinh sản, rau an toàn, cà phê, tiêu, ca cao…, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2014, toàn huyện Ea Kar có 6.648 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đến cuối năm 2017 tăng lên 7.800 hộ, trong đó có 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 531 hộ cấp tỉnh, 1.685 hộ cấp huyện với mức thu nhập từ 100 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc