Nông dân M'Đrắk đối mặt với vụ "mía đắng"
Thời điểm này, huyện M’Đrắk đang bước vào vụ thu hoạch mía, tuy nhiên những vấn đề liên quan đến giá cả, nhân công, trữ lượng đường của cây mía đang kiến người nông dân phải đối mặt với một vụ “mía đắng”.
Ngay từ cuối tháng 1, gia đình ông Vương Đình Chiến ở thôn 4, xã Ea Pil đã khẩn trương tìm kiếm nhân công để kịp thu hoạch 3,5 ha mía. Ông Vương cho biết, do ảnh hưởng của những đợt mưa bão kéo dài cuối năm 2017, nhất là cơn bão số 12 đã khiến gia đình ông bị thiệt hại khoảng 30% diện tích. Thêm vào đó, mới vào đầu vụ, giá mía nguyên liệu đã giảm so với năm ngoái, chỉ còn 680.000 đồng/tấn từ 8 trữ đường trở lên, trong khi chi phí thu hoạch lại tăng cao nên vụ mía năm nay xem như “trắng tay”. “Giá đã thấp, tìm thuê nhân công khó nhưng cũng không dám thu hoạch nhiều vì phụ thuộc vào xe vận chuyển. Mía chặt ra phơi ngoài đồng lâu sẽ giảm trữ lượng đường thì giá bán càng thấp, nông dân “thiệt đơn thiệt kép”…” - ông Chiến thở dài.
Tương tự, gia đình chị Hà Thị Hồng ở thôn 3, xã Ea Pil đã trồng mía được hơn 10 năm nhưng chưa năm nào nếm vị “mía đắng” như năm nay. Để trồng 2 ha mía, gia đình chị phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng tiền công cày đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, thu hoạch… Chị Hồng buồn rầu: “Vụ này giá mía chỉ khoảng 600.000 - 680.000 đồng/tấn, tùy theo trữ đường, giảm từ 150.000-200.000 đồng/tấn so với những năm trước. Trong khi đó giá thuê công chặt, bốc xếp tăng cao, khoảng 22-23 triệu đồng/ha. Nếu trừ hết các khoản chi phí coi như chẳng còn gì, trong khi chi phí sinh hoạt, lo cho 4 con ăn học đều trông cả vào cây mía”.
Nông dân xã Ea Pil, huyện M'Đrắk khẩn trương thu hoạch mía vụ 2017-2018. |
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk Nguyễn Thế Thập
|
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk, toàn huyện hiện có trên 7.300 ha mía, tập trung chủ yếu ở các xã: Ea Pil 2.900 ha, Cư Prao 2.850 ha, Krông Á 450 ha, Krông Jing 600 ha, Ea Lai 340 ha… Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 đã gây thiệt hại khoảng 30% diện tích cây mía, làm giảm năng suất, trữ lượng đường. Hơn nữa, do cây mía bị gãy đổ, nghiêng ngả rất khó thu hoạch, tốn nhiều nhân công, chi phí khiến nông dân đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk cho biết, do Công ty Cổ phần Mía đường 333 (đứng chân trên địa bàn huyện Ea Kar) ngừng sản xuất một thời gian để nâng cấp nên tiến độ thu mua năm nay chậm hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái. Hơn nữa, vụ mía 2017-2018 bị giảm năng suất, trữ đường do ảnh hưởng của thời tiết, giá thu mua nguyên liệu thấp đã khiến nông dân phải đối mặt với một vụ mía nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk kiểm tra, thăm hỏi tình hình thu hoạch mía của nông dân trên địa bàn xã Ea Pil. |
Ông Võ Văn Phước, Phó Phòng Nguyên liệu, Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho hay, từ vụ mía 2016 đến nay, công ty đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với người dân trên địa bàn huyện M’Đrắk và Ea Kar được 50% diện tích. Khi người dân ký hợp đồng trực tiếp với công ty sẽ được hưởng các quyền lợi như: công ty đầu tư 30 triệu đồng cho 1 ha trồng mới và 15 triệu đồng cho 1 ha lưu gốc tính theo lãi suất ngân hàng, bao tiêu sản phẩm với mức giá có lợi nhất và hỗ trợ khó khăn cho nông dân khi cây mía bị ảnh hưởng của bão lũ. Riêng với những trường hợp không có hợp đồng trực tiếp với công ty thì công ty chỉ có thể thu mua với giá thị trường, và đương nhiên là với giá thấp hơn. Thêm vào đó, năm nay, do ảnh hưởng của thiên tai nên chất lượng cũng như sản lượng mía nguyên liệu giảm, thêm vào đó là giá thành sản phẩm đường giảm chung nên giá đầu vào của nguyên liệu cũng sụt giảm. Để hỗ trợ người nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, công ty sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương ký hợp đồng trực tiếp nếu họ có nhu cầu, bởi ở huyện M’Đrắk và Ea Kar công ty đều có đặt trạm thu mua mía nguyên liệu.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc