Multimedia Đọc Báo in

Phát triển ngành cà phê: Tăng cường thu hút đầu tư dự án chế biến sâu

10:55, 19/03/2018

Là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành cà phê của tỉnh vẫn chưa mạnh do thiếu những dự án đầu tư tầm cỡ về chế biến sâu đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Số dự án chưa nhiều

Trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 14 dự án đầu tư vào ngành chế biến cà phê, với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đã đi vào hoạt động, 4 dự án đang xây dựng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 4 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 1.463 tỷ đồng. Cụ thể, dự án chế biến xuất khẩu cà phê nhân của Công ty TNHH Cà phê Hà Lan Việt Nam, tổng vốn đầu tư 53 tỷ đồng; Nhà máy chế biến cà phê, hạt điều, hồ tiêu và các loại nông sản khác của Công ty TNHH Olam, tổng vốn đầu tư hơn 17,5 tỷ đồng; Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Cà phê Ngon của Công ty TNHH Cà phê Ngon, tổng vốn đầu tư 1.275 tỷ đồng và dự án Liên doanh chế biến cà phê nhân xuất khẩu DakMan - Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH DakMan Việt Nam, tổng vốn đầu tư hơn 117 tỷ đồng. Đối với đầu tư trong nước, đã có 10 dự án chế biến cà phê với tổng vốn đầu tư 1.460 tỷ đồng. Trong số 6 dự án đã đi vào hoạt động, một số dự án mang lại hiệu quả cao như: Nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển cà phê An Thái tại Khu công nghiệp Hòa Phú, với công suất 936 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 45 tỷ đồng; Nhà máy chế biến cà phê, nông sản xuất khẩu, cà phê bột của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex tại Cụm Công nghiệp Tân An 2, công suất 34.500 tấn/năm, vốn đầu tư 30,8 tỷ đồng; Khu liên hiệp chế biến cà phê, nông sản, kho chứa tại Khu công nghiệp Hòa Phú của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, với vốn đầu tư 13 tỷ đồng…

Cà phê mới thu hoạch của  Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.
Cà phê mới thu hoạch của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Việc xây dựng các nhà máy chế biến cà phê bên cạnh nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hình thành những điểm thu mua trực tiếp, hạn chế trung gian, góp phần giảm thiệt hại kinh tế cho người trồng cà phê. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư cà phê vẫn chưa nhiều; chỉ một số ít doanh nghiệp đủ năng lực chế biến cà phê chất lượng cao, còn lại phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ, dây chuyền thiết bị chưa đồng bộ, chế biến sâu mới chiếm khoảng 2,3% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu. Bên cạnh đó, những dự án FDI có quy mô lớn về công suất và vốn đầu tư nhưng số lượng ít, trong khi dự án đầu tư trong nước số lượng nhiều hơn nhưng hạn chế về năng lực hoạt động. Nguyên nhân tình trạng này là chế biến cà phê đòi hỏi nguồn vốn lớn (suất đầu tư cà phê rang xay trung bình khoảng 15 – 17 tỷ đồng cho công suất 1.000 tấn/năm; đối với cà phê hòa tan là 150 tỷ đồng cho công suất 2.000 tấn /năm), nên các doanh nghiệp trong nước với bất lợi về tài chính rất khó cạnh tranh trong đầu tư dài hạn với nhà đầu tư nước ngoài.

Mảnh đất còn màu mỡ

Theo các chuyên gia trong ngành cà phê, đầu tư FDI còn hạn chế về số lượng do trước đây các nước chỉ nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam làm nguyên liệu và bảo hộ khâu chế biến tại nước họ. Do đó, các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam thường bị áp thuế 20% khi xuất khẩu vào các nước đó. Tuy nhiên, gần đây với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, mức thuế đã được giảm về 0%, điều này đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chế biến sâu vào phê Việt Nam để khai thác triệt để nguồn nguyên liệu, nhân công tại chỗ. Đối với đầu tư trong nước, tiềm năng thu hút cũng còn rất lớn do các doanh nghiệp nội có lợi thế hơn doanh nghiệp nước ngoài về sự gần gũi với người trồng cà phê, vùng nguyên liệu cũng như tập quán sản xuất, canh tác và văn hóa cà phê Việt Nam.  Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã xây dựng mối liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra trong quy trình sản xuất cà phê gắn với chuỗi giá trị từ canh tác đến tiêu thụ, chế biến.

Dự án chế biến  cà phê  xuất khẩu  của Công ty TNHH MTV  Xuất  nhập khẩu 2-9.
Dự án chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉnh đã triển khai những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào ngành cà phê trong thời gian tới. Theo đó, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại trên bình diện quốc tế;  cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Về chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh cũng áp dụng ở mức tốt nhất các hình thức ưu đãi, miễn, giảm tiền thuê đất và các loại thuế để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư. Bên cạnh đó, trong quá trình mở rộng Khu công nghiệp Hòa Phú  (TP. Buôn Ma Thuột) và xây dựng Khu công nghiệp Phú Xuân (huyện Cư M’gar), sẽ ưu tiên, khuyến khích các dự án chế biến sâu cà phê, đặc biệt tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tuy nhiên, để có những dự án đầu tư tầm cỡ, tập trung thu hút vốn và công nghệ hiện đại vào lĩnh vực này, cần có cơ chế cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng với lãi suất phù hợp để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án mang tính trung và dài hạn. Cùng với đó, trước hết cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh cà phê từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, qua đó thúc đẩy ngành cà phê lớn mạnh.

Trong niên vụ 2016 – 2017, sản lượng cà phê chế biến toàn tỉnh đạt gần 388.000 tấn, trong đó, cà phê nhân đạt 360.000 tấn, cà phê bột 22.000 tấn, cà phê hòa tan gần 5.300 tấn.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.