Multimedia Đọc Báo in

Tái canh cà phê - hiệu quả từ cách làm của Công ty Cà phê Đ'rao

08:10, 28/03/2018

Trong khi nhiều doanh nghiệp, địa phương đang lúng túng trong việc tái canh cà phê thì đến nay Công ty TNHH MTV Cà phê Đ’rao (Công ty Cà phê Đ’rao) đã gần như hoàn tất việc tái canh trên diện tích sản xuất của mình.

Công ty Cà phê Đ’rao quản lý, khai thác gần 600 ha cà phê. Hầu hết diện tích cà phê được trồng từ năm 1979-1982, nên đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp. Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cà phê Đ’rao Nguyễn Minh Thanh cho biết, năm 2010 sau khi có chủ trương của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, đơn vị đã thực hiện tái canh thí điểm 16,6 ha cà phê già cỗi. Khi làm thí điểm, bên cạnh thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật như khai hoang, rà rễ và thu gom sạch rễ; trồng các loại cây họ đậu, có hàm lượng chất xanh cao, rễ có nốt sần, có vi sinh vật cố định đạm, thân, lá có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, khả năng cải tạo đất tốt, giúp nâng độ phì nhiêu của đất; luân canh thay đổi cây ký chủ của nấm bệnh, đặc biệt là tuyến trùng..., Công ty đã đưa các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR9, TR11, TR12, TR13… vào trồng đại trà. Đây là các giống cà phê có năng suất cao, chất lượng nhân tốt, khả năng chống chịu bệnh, được thị trường thế giới ưa chuộng. Nhờ đó, sau 3 năm đã cho thấy hiệu quả khi cây cà phê trên diện tích trồng thí điểm phát triển tốt, năng suất bình quân đạt từ 3-5 tấn/ha. Tiếp đà thành công và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thí điểm, giai đoạn 2014-2016, Công ty đã làm dự án tái canh tiếp 160 ha; giai đoạn 2017-2020 tiếp tục làm dự án tái canh 200 ha. Đối với diện tích tái canh trong giai đoạn 2014-2016 hiện đã cho thu hoạch ổn định; vườn tái canh giai đoạn 2017-2020 đang phát triển tốt. Hiện Công ty đang tiếp tục khoanh vùng, chọn lọc và xây dựng kế hoạch thực hiện tái canh diện tích cà phê già cỗi còn lại và dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn tất việc tái canh trên toàn bộ diện tích sản xuất của đơn vị.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Bắc Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vườn cà phê tái canh của Công ty Cà phê Đ'rao.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Bắc Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vườn cà phê tái canh của Công ty Cà phê Đ'rao.

Việc tái canh cà phê của Công ty Cà phê Đ’rao không chỉ thành công trên vườn cây mà với những chính sách phù hợp, Công ty cũng đã bảo đảm đời sống của công nhân trong quá trình thực hiện. Ông Nguyễn Minh Thanh chia sẻ, với 435 lao động, trong đó có gần 60% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc làm sao để bảo đảm đời sống của người lao động cũng là “bài toán” khó đối với Công ty, bởi trong 3 năm đầu thực hiện tái canh, vườn cà phê sẽ không cho sản phẩm thu hoạch. Hơn nữa, trong quá trình tái canh đòi hỏi người lao động phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật. Do đó, thay vì giao vườn cây và khoán sản phẩm trên đơn vị diện tích cho người lao động, Công ty đã thực hiện trả lương cho công nhân trong suốt quá trình tái canh. Sau khi vườn cây đã phát triển ổn định và bắt đầu cho thu hoạch, Công ty mới giao lại cho công nhân chăm sóc và thực hiện nộp sản phẩm như trước. Nhờ cách làm này, người lao động trong Công ty đã yên tâm và đồng lòng với chủ trương tái canh cà phê mà công ty đưa ra.

Một vấn đề quan trọng khác giúp Công ty Cà phê Đ’rao thực hiện tái canh cà phê thành công là vốn đầu tư. Đơn vị đã thuyết phục thành công Ngân hàng NN-PTNT tại địa phương cùng vào cuộc với mình thông qua hiệu quả của diện tích tái canh thí điểm. Đến khi thực hiện tái canh trên diện rộng, Công ty cũng tiến hành lập dự án một cách chặt chẽ từ lộ trình canh tác đến lộ trình sử dụng và hoàn trả vốn. Nhờ đó phía ngân hàng đã tin tưởng và tích cực hỗ trợ kinh phí để Công ty tiến hành tái canh.

Có thể nói, với cách làm bài bản, phù hợp với tình hình thực tế, quá trình tái canh cà phê tại Công ty Cà phê Đ’rao đang diễn ra theo đúng lộ trình mong muốn. Đây là một trong những mô hình tái canh cà phê hiệu quả, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Cà phê tại địa phương.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.