Tăng phí dịch vụ ngân hàng: Cần bảo đảm lợi ích hài hòa
Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã công bố tăng mạnh biểu phí dịch vụ. Điều này không chỉ "đẩy" phần khó cho khách hàng khi đã và đang chịu nhiều khoản phí dịch vụ mà còn có thể sẽ ảnh hưởng đến chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
"Loạn" phí dịch vụ
Theo biểu phí dịch vụ các ngân hàng đang áp dụng, hầu hết các dịch vụ thông dụng, nhiều người phải sử dụng như dịch vụ chuyển tiền, rút tiền tại ATM, vấn tin tài khoản, thanh toán qua thẻ tín dụng, Internet Banking, Mobile Banking... đều có thu phí. Đáng chú ý, mới đây một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng biểu phí dịch vụ của mình. Chẳng hạn, đối với dịch vụ chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng, cả 3 "ông lớn" là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đều thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống. Trong đó, Vietinbank là ngân hàng thu phí nội bộ cao nhất, khi khách hàng chuyển từ 50 triệu đồng trở lên sẽ chịu phí 0,011% giá trị giao dịch. Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã công bố tăng một số phí dịch vụ kể từ ngày 1-3. Cụ thể, khách hàng chuyển tiền cùng hệ thống Vietcombank qua ứng dụng Mobile Banking sẽ mất phí 2.200 đồng/giao dịch thay vì miễn phí như trước đây. Phí tin nhắn SMS hàng tháng của các ngân hàng dao động từ 8.800 đồng đến 11.000 đồng, trong đó Vietcombank cũng vừa tăng loại phí này từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng. Về phí rút tiền tại ATM trong cùng hệ thống, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang thu phí 1.100 đồng/giao dịch trong khi các ngân hàng còn lại miễn phí. Nếu rút tiền tại các ATM của ngân hàng khác, mức phí phổ biến là 3.300 đồng/giao dịch, ngoại trừ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thu 1.100 đồng/giao dịch, trong khi nhiều đơn vị khác lại miễn phí dịch vụ này.
Khách hàng giao dịch tại quầy của SHB Chi nhánh Đắk Lắk. |
Khách hàng cần có sự lựa chọn
Nhiều loại phí dịch vụ, mỗi ngân hàng thu mỗi kiểu như vậy nhưng không phải khách hàng nào cũng biết và có sự lựa chọn phù hợp. Bởi mặc dù có khá nhiều loại phí dịch vụ phải trả, nhưng so với tổng số tiền của mỗi giao dịch là không quá lớn, nên rất nhiều người dường như không để ý đến. Trong khi đó, đến nay hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trả lương qua tài khoản ngân hàng nên việc sử dụng dịch vụ đi kèm là điều bắt buộc. Anh Lê Anh Dũng, một công chức trong ngành Bảo hiểm tại TP. Buôn Ma Thuột thường xuyên sử dụng các dịch vụ cho rằng phí dịch vụ hiện khá nhiều loại và tương đối cao, nhưng có thể chấp nhận được và quan trọng hơn là anh không có sự lựa chọn khác bởi cơ quan đã thực hiện trả lương qua tài khoản mở tại ngân hàng.
Lý giải việc thu phí, tăng phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian gần đây, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, việc thu phí, tăng phí dịch vụ là xu hướng chung của thế giới. Xét ở mặt tích cực, việc thu phí dịch vụ sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn thu, bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng, về lâu dài sẽ góp phần tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Nhưng điều quan trọng là việc tăng phí dịch vụ phải đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời phải có nhiều phương án hơn cho khách hàng lựa chọn.
Có thể thấy, việc khách hàng đang phải “gánh” nhiều loại phí dịch vụ ngân hàng nhưng không biết hoặc không được lựa chọn dịch vụ ngân hàng phù hợp đã trở nên phổ biến. Nhiều người cho rằng, nếu phải tiếp tục chịu nhiều loại phí dịch vụ như vậy, có thể họ sẽ hạn chế sử dụng các phương thức thanh toán qua ngân hàng và chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Rõ ràng, việc tăng phí dịch vụ trong thời điểm hiện nay ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, cùng với đó chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc