Multimedia Đọc Báo in

Thi hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm: "Khó" về nhân lực và phương tiện

08:32, 23/03/2018

Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân công theo nhóm sản phẩm do các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương quản lý, còn các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ do chính quyền địa phương các cấp quản lý.

Ngoài ra, còn có Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh thanh, kiểm tra theo lộ trình của ngành để siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm hạn chế tối đa sự vi phạm của các cơ sở trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Quy định của pháp luật thì chặt chẽ, nhưng thực tế tình hình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra thường xuyên. Điển hình nhất hiện nay là sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các gian hàng rong. Đặc điểm chung của các gian hàng di động này là thực phẩm được phơi trần, bày bán trên vỉa hè. Người bán thay đổi thường xuyên và vừa dùng tay trần để lấy thực phẩm vừa thối tiền cho khách mua hàng. Một số gian hàng người bán sử dụng găng tay nhưng lại sử dụng cả găng tay để vừa lấy thực phẩm vừa thối tiền nên nguy cơ nhiễm chéo vi khuẩn sang thực phẩm ăn nhanh là rất lớn.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: Thuận Nguyễn
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: Thuận Nguyễn

Còn với các cơ sở chế biến thực phẩm có địa chỉ rõ ràng thì tình trạng vi phạm diễn ra tinh vi hơn. Trong 7 tháng đầu năm năm 2017, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện và xử phạt 7 đơn vị vì vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với các lỗi như kinh doanh sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh thú y, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Điều đáng nói là quá trình thanh, kiểm tra ngành chức năng đã phát hiện 2.200 tuýp chứa chất lỏng màu trắng và 23 kg bột màu trắng được sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm tại cơ sở sản xuất giá đỗ ở buôn Păn Lăm, phường Tân Lập (2.200 tuýp chất lỏng màu trắng, 7 kg bột màu trắng) và cơ sở kinh doanh rau (hoa chuối) trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Buôn Ma Thuột (16 kg bột màu trắng).

Một vườn rau sản xuất theo hướng hữu cơ ở TP. Buôn Ma Thuột.
Một vườn rau sản xuất theo hướng hữu cơ ở TP. Buôn Ma Thuột.

Năm 2017 Sở NN-PTNT đã lấy 102 mẫu thực phẩm để kiểm tra thì có 19 mẫu vi phạm, chiếm 18,6% tổng số mẫu được kiểm tra. Trong đó có 5/6 mẫu cà phê vi phạm vì không đạt hàm lượng cafein như yêu cầu; 3/33 mẫu rau, củ, quả chứa các hoạt chất Carbendazim, Benomyl, Mancozeb vượt mức cho phép…  Ông Trần Ngọc Thanh, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết, hằng năm đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cũng như phát tờ rơi, đĩa CD, tranh cổ động về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra do lực lượng thực thi pháp luật ít và đa số là kiêm nhiệm. Hiện tại, chi cục được Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ cốt cán về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và trực tiếp đứng đầu trong thanh tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng lực lượng thực hiện lại kiêm nhiệm nhiều chức năng nhiệm vụ khác. Mặt khác, nguồn kinh phí hằng năm dành cho hoạt động này lại hạn hẹp nên đa phần đơn vị phải lồng ghép trong các chương trình khác. Trong khi đó số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lại rất lớn nên đơn vị phải thanh, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu hoặc theo từng đợt trong năm như Tháng hành động an toàn thực phẩm hoặc dịp Tết Nguyên đán, Trung thu… Chưa hết, trong quá trình thanh, kiểm tra các đoàn kiểm tra thiếu máy móc, phương tiện chuyên dụng và kinh phí triển khai nên chỉ lấy mẫu khi phát hiện sản phẩm nghi ngờ. Sau đó gửi đi TP. Hồ Chí Minh hoặc TP. Đà Nẵng để kiểm nghiệm nên khi có kết quả kiểm nghiệm (sau 1-2 tuần gửi mẫu kiểm tra) thì các sản phẩm đó đã được các cơ sở bán hết cho người tiêu dùng. Do đó một số cơ sở vẫn còn tâm lý sản xuất, kinh doanh mang tính đối phó, đến sát các đợt thanh, kiểm tra thì chấp hành nghiêm chỉnh, khi không có đoàn kiểm tra lại không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản rải đều khắp các huyện, thị xã, thành phố. Năm 2017, Sở kiểm tra được 5.000 cơ sở và không có đơn vị nào vi phạm về các nội dung ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.