Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp phát huy giá trị Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột

09:54, 14/03/2018

Trên lý thuyết, Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ góp phần gia tăng giá trị cho ngành cà phê khi hội nhập. Tuy nhiên đến nay việc phát huy giá trị của Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa như kỳ vọng. 

Chưa xứng tầm

Hiện nay Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Khi các hiệp định có hiệu lực, việc thương mại hàng hóa giữa các quốc gia thành viên sẽ có những thuận lợi khác nhau. Điển hình là các thành viên tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ bảo hộ lẫn nhau về một số chỉ dẫn địa lý sau khi hiệp định được ký kết và có hiệu lực. Cụ thể, Việt Nam sẽ được các nước công nhận 38 chỉ dẫn địa lý trong đó có Cà phê Buôn Ma Thuột, còn Việt Nam sẽ công nhận 42 chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên EVFTA. Nếu được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột thì tầm vóc, lợi thế ngành Cà phê sẽ được nâng lên tại các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam như Đức, Italia, Hà Lan, Pháp... Đặc biệt các doanh nghiệp có chỉ dẫn địa lý sẽ không bị vướng rào cản hay xâm hại thương hiệu trong quá trình thương mại cà phê.

Cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đạt độ chín trên 90%.
Cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đạt độ chín trên 90%.

Mỗi hiệp định thương mại có một cơ chế đặc thù riêng để hỗ trợ các nước thành viên hội nhập và phát triển, tuy nhiên hiện nay thương mại cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột lại gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hai năm trở lại đây có khoảng 4.500 tấn cà phê mang chỉ dẫn địa lý được các nhà rang xay trong nước thu mua và chế biến,  còn xuất khẩu cà phê mang chỉ dẫn địa lý gần như không thực hiện được. Theo lý giải của các doanh nghiệp xuất khẩu, sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý không bán được vì các nhà rang xay quốc tế chưa có nhu cầu. Trong khi đó việc thương mại cà phê thế giới những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do tác động chung của nền kinh tế toàn cầu.

Làm rõ sự khác biệt về chất lượng

Trong tiến trình đàm phán ký kết EVFTA, Việt Nam đã được Liên minh châu Âu hỗ trợ thực hiện Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư (EU-MUTRAP) nhằm cung cấp các thông tin về chính sách đặc thù của hiệp định và cách tiếp cận, tận dụng lợi thế để phát triển. Theo đó, các chuyên gia của châu Âu đã chỉ ra những bất cập của việc phát triển Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột như chủng loại sản phẩm còn hạn chế, phương thức cấp quyền chưa phù hợp, hệ thống quản lý còn thiếu… Đặc biệt các chuyên gia cũng khẳng định, để phát triển Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột thì phải làm rõ thêm đặc thù chất lượng của cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phân tích, đặc thù về địa hình, khí hậu đã tạo nên sản phẩm cà phê khác biệt mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột và được người tiêu dùng công nhận từ xưa đến nay. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam mới chỉ đưa ra được các chỉ tiêu chất lượng về màu sắc, hình dáng bên ngoài và mùi vị chung chung mà thôi.

Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê.
Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê.

Trong khi đó hạt cà phê có khoảng 1.000 hợp chất khác nhau, mỗi hợp chất có một mùi, vị riêng. Vì thế cần phải phân tích các thành phần sinh hóa của hạt cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột bằng các phương tiện máy móc, phòng thí nghiệm hiện đại. Kinh phí đầu tư mua máy móc rất lớn nên có thể thuê đối tác trong và ngoài nước phân tích, thẩm định chất lượng cà phê để lấy căn cứ xác định giá trị sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột. Song song đó là thuê hoặc chủ động đào tạo chuyên gia thử nếm có trình độ chuyên môn mang tầm cỡ quốc tế để thẩm định chất lượng cà phê. Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao trực tiếp tham gia thẩm định, giám sát chất lượng cà phê cho ngành hàng trong hội nhập.

Như vậy, Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột chỉ mang lại giá trị gia tăng khi có sản phẩm thương mại trên thị trường thế giới. Muốn vậy, phải làm rõ nét đặc trưng về thành phần hóa học và hương vị riêng biệt của Cà phê Buôn Ma Thuột. Để làm được điều đó thì Nhà nước cần đầu tư phương tiện, máy móc tương xứng để thực hiện và giám sát quá trình phát triển Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trong tương lai.

Đặc tính sản phẩm cà phê nhân mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là: màu xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt; kích thước dài 10-11mm, rộng 6-7 mm, dày 3-4 mm; khi rang đến độ chín thích hợp thì có hương thơm đặc trưng của cà phê, vị nước cà phê đắng dịu, nhẹ, không chát; hàm lượng cafein từ 2-2,2% chất khô.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.