Trồng rừng nguyên liệu: Hướng phát triển kinh tế bền vững ở M'Đrắk
Những năm gần đây, keo lai đã trở thành cây trồng chủ lực ở huyện M’Đrắk, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…
Giàu lên nhờ trồng rừng
Huyện M’Đrắk có nhiều diện tích đồi núi trọc, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên thiếu nước tưới nên khó canh tác các loại cây lương thực, cây công nghiệp... Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây, huyện M’Đrắk đã triển khai kế hoạch trồng rừng nguyên liệu, vận động người dân chuyển phần lớn diện tích đất đồi núi trọc, khu vực thiếu nước sang trồng keo lai. Đây là loại cây dễ sống, chủ yếu phát triển nhờ tự nhiên, ít tốn công chăm sóc. Với chi phí đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng/ha keo lai, sau một chu kỳ sinh trưởng 5 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 150 tấn gỗ nguyên liệu/ha. Với giá bán hiện nay khoảng 840.000 đồng/tấn thì người trồng lãi trên dưới 100 triệu đồng mỗi ha.
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk đang chăm sóc rừng trồng. |
Ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Trang cho hay, trước đây người dân trong xã không mặn mà với việc đầu tư trồng rừng mà chỉ tập trung gieo trồng ngô, đậu, hoặc sắn vào mùa mưa, tuy nhiên, do đất đai ở đây chủ yếu là đồi dốc, thiếu nước tưới nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho nhân dân về trồng rừng, bảo vệ đi đôi với khai thác sản phẩm từ rừng, tập trung phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nhờ vậy, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, diện tích rừng trồng ngày càng được mở rộng. Đến nay, toàn xã đã có 2.173 ha rừng trồng với trên 70% số hộ dân gắn với kinh tế rừng, trong đó có 1.380 ha đất rừng của người dân và 793 ha đất rừng nhận khoán của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Một số hộ dân giàu lên nhờ có diện tích rừng trồng nhiều như ông Y Knap Byă ở buôn Bơn A có 40 ha; Y Thu Niê ở buôn Thi có 50 ha; Y Săng H’Wing ở buôn Bơn A có 30 ha…
Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk cho biết, công ty đang quản lý, bảo vệ 25.624 ha rừng, trong đó có 2.074 ha rừng trồng. 100% rừng trồng đều được công ty giao khoán cho người dân chăm sóc bảo vệ. Việc nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng trồng được người dân đồng tình hưởng ứng bởi đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thêm thu nhập.
Anh Y Khương Byă ở thôn 2, xã Cư Króa cho hay, gia đình anh nhận khoán 3 ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk từ 6 năm nay. Rừng nhận khoán được Công ty đầu tư 100%, gia đình anh chỉ việc chăm sóc, trông coi và khi thu hoạch (sau 5 năm) sẽ được nhận trên 10% lợi nhuận của vườn cây. Ngoài ra, khi tham gia trồng rừng, thu hoạch cây trong vườn nhận khoán anh cũng được công ty trả lương 200.000 đồng/ngày công. Do rừng nhận khoán ở gần nhà nên việc trông coi rừng khá thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc sản xuất các cây trồng, vật nuôi khác mà còn có thêm nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/ha.
Hướng phát triển kinh tế bền vững
Theo ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, toàn huyện hiện có 72.897 ha đất rừng, trong đó có 59.033 ha rừng tự nhiên và 13.864 ha rừng trồng, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt gần 50%. Nhờ trồng rừng mà đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm. Hướng đi lên từ rừng là một bước ngoặt trong phát triển kinh tế địa phương, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân đưa gỗ đến nhà máy chế biến dăm gỗ của Hợp tác xã Tiến Nam (thôn 1, xã Cư Króa). |
Không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, việc phát triển rừng trồng còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm nguồn nước ngầm cho sản xuất nông nghiệp"
Ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Trang
|
Để người dân có thể yên tâm gắn bó với rừng trồng, huyện M’Đrắk cũng đang chú trọng công tác thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển chế biến lâm sản. Hiện nay, địa phương đã hình thành được các chuỗi trồng rừng gắn liền với chế biến, xuất khẩu gỗ. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện như Hợp tác xã Tiến Nam, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành M’Đrắk, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk… cũng hợp đồng liên kết trồng rừng với người dân, đồng thời bao tiêu thu mua sản phẩm gỗ nguyên liệu ổn định trong vùng. Riêng nhà máy gỗ dăm của Hợp tác xã Tiến Nam bình quân thu mua mỗi tháng trên 6.000 tấn keo nguyên liệu trên địa bàn huyện để chế biến gỗ dăm bán cho các công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản.
Ông Hòa Quang Khiêm cho biết, để trồng rừng trở thành hướng phát triển kinh tế bền vững, huyện M’Đrắk tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thông thoáng hơn cho các chủ rừng; lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên đầu tư cho trồng rừng nguyên liệu gỗ. Định hướng trong thời gian tới, bên cạnh ổn định diện tích rừng hiện có, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, cử cán bộ tập huấn cho người trồng rừng các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho các cơ sở chế biến; khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng sản xuất với quy mô lớn; liên kết với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh để tạo vùng nguyên liệu tập trung và có đầu ra ổn định, giá cả cạnh tranh cho gỗ nguyên liệu…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc