Vụ tiêu "buồn" của nhà nông
Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2017 - 2018. Tuy nhiên, người trồng tiêu năm nay không mấy phấn khởi vì vừa mất mùa lại mất giá.
Tại huyện Cư Kuin, các vườn tiêu đã bước vào thu hoạch rộ nhưng không mang lại nhiều niềm vui cho bà con nông dân như những vụ tiêu trước đây. Ông Dương Quang Trung (thôn 10, xã Ea Ning) cho hay, với hơn 2.000 trụ đang thời kỳ kinh doanh, năm trước gia đình ông thu được 8 tấn, cũng diện tích đó, năm nay cao lắm cũng chỉ được 5 tấn. Nguyên nhân là do niên vụ 2017-2018, mùa mưa đến sớm đúng vào giai đoạn hồ tiêu ra hoa nên mức độ đậu trái đạt thấp, dẫn đến sản lượng giảm đáng kể. Việc mất mùa khiến quá trình thu hái cũng trở nên khó khăn hơn vì tiêu thưa thớt, nếu mọi năm 1 nhân công hái được 17 kg tiêu/ngày, thì năm nay chỉ khoảng 13 kg/ngày. Mỗi ha tiêu phải mất từ 50-60 ngày công thu hoạch, vì vậy, gia đình ông Trung phải thuê thêm 12 lao động để kịp thu hái. Trong khi giá thuê nhân công thời điểm này lên tới 180.000 - 200.000 đồng/ngày, nhưng cũng rất khó thuê đủ người vì thu hoạch tiêu phải leo cao, vừa nhọc nhằn vừa nguy hiểm nên ít người muốn đi làm.
Cán bộ Hội Nông dân thăm tình hình thu hoạch tiêu của một số hộ nông dân ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. |
Không chỉ mất mùa, người dân trồng tiêu năm nay còn “lao đao” đối mặt với giá cả đang xuống dốc và dự báo sẽ không có tín hiệu khả quan hơn trong suốt mùa vụ 2018. Gia đình ông Lê Xuân Hòa (thôn 10, xã Ea Ning) có 8 sào trồng tiêu, vụ tiêu năm nay ông ước tính cho năng suất 2 tấn, giảm hẳn 1 tấn so với vụ trước đó, do nửa cuối năm 2017 liên tiếp xảy ra mưa lớn khiến 50 gốc tiêu trong vườn bị ngã đổ, hàng chục gốc bị nấm bệnh chết do úng nước. Bằng giờ này năm ngoái, gia đình ông Hòa đã thuê đến 5 nhân công thu hái, nhưng với giá tiêu giảm sâu như hiện tại (chỉ còn 60.000 - 63.000 đồng/kg, bằng 1/4 giá so với thời điểm cao nhất là 250.000 đồng/kg), sợ sau thu hoạch không đủ tiền chi phí nên gia đình huy động hết nguồn lực trong nhà tự hái, không thuê.
Ông Nguyễn Sỹ Tư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin cho biết, toàn huyện có 4.517 ha trồng hồ tiêu, tập trung ở các xã Ea Ning, Ea Bhôk, Ea Hu, Ea Ktur, trong đó diện tích hồ tiêu kinh doanh là 3.312 ha, còn lại đang chăm sóc và trồng mới. Sản lượng niên vụ hồ tiêu năm 2016-2017 đạt 11.990 tấn với năng suất ổn định từ 2,8-3 tấn/ha. Theo ước tính, sản lượng năm nay sẽ giảm từ 15% - 20% so với năm trước, cùng với đó là giá tiêu thị trường giảm xuống còn trên dưới 60.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Vườn tiêu nhà ông Dương Quang Trung (thôn 10, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) đang vào thời điểm thu hoạch rộ. |
Tương tự, huyện Cư M’gar hiện có gần 3.000 ha hồ tiêu, trong đó có khoảng 1.600 ha trồng thuần, số còn lại trồng xen trong các vườn cà phê với năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha. Hiện nay, hồ tiêu ở huyện Cư M’gar đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phát triển thiếu bền vững, nhiều vườn tiêu bị thiệt hại do sâu bệnh. Anh Đặng Văn Vinh ở thôn 3, xã Cư Suê cho biết, vườn hồ tiêu 500 trụ của gia đình đang cho thu hoạch chính nhưng gia đình ông đang rất lo lắng bởi năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khiến cây hồ tiêu mất mùa, năng suất giảm khoảng 10% so với vụ trước, cộng với việc giá hồ tiêu xuống thấp, giảm tới 40 triệu đồng/tấn so với năm ngoái.
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 42.560 ha hồ tiêu, tập trung ở các huyện Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Năng, Cư M’gar… Niên vụ này, hồ tiêu ở Đắk Lắk bị mất mùa là do tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường như mưa sớm vào mùa khô, mưa lớn kéo dài vào cuối mùa mưa… gây đảo lộn quá trình kết trái, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến cây tiêu. Bên cạnh đó, do người dân ở các tỉnh trồng tiêu ồ ạt mở rộng diện tích, riêng Đắk Lắk diện tích hồ tiêu vượt đến 150% so quy hoạch định hướng đến năm 2020, dẫn đến cung vượt cầu làm giá hồ tiêu liên tục giảm. Mặt khác, chất lượng hồ tiêu không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm nên sản lượng xuất khẩu đi các thị trường lớn còn hạn chế, hàng còn ứ đọng nhiều. Chính vì vậy, người trồng hồ tiêu tại các địa phương trong tỉnh cần thay đổi cách thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị hồ tiêu xuất khẩu để thâm nhập vào các thị trường khó tính của thế giới.
Tìm giải pháp cho tình trạng này, Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar chia sẻ, thời gian tới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ xây dựng một số mô hình chế biến tiêu bằng máy và thực hiện liên kết “4 nhà” nhằm tạo ra sản phẩm tiêu cao cấp đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng uy tín của hồ tiêu Cư M’gar nói riêng và hồ tiêu Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Còn ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) cho hay, mặc dù vụ tiêu năm nay đánh dấu một “nốt trầm” đã được dự đoán trước, nhưng đa số người dân đều quyết tâm theo cây hồ tiêu vì Hồ tiêu Cư Kuin đã có nhãn hiệu chứng nhận. Thời gian tới, xã cũng có kế hoạch thành lập HTX nông nghiệp để các hộ nông dân dễ dàng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn, ổn định đầu ra… hướng tới phát triển cây tiêu bền vững.
Theo Bộ NN-PTNT, niên vụ 2017 – 2018 hồ tiêu trong nước giảm mạnh cả về giá trị và sản lượng. Dự báo, giá tiêu sẽ duy trì mức thấp trong cả năm 2018 do diện tích tiêu trong nước đã vượt quy hoạch tới 50%; ngành hồ tiêu sẽ tiếp tục gặp khó nếu như không có giải pháp cơ cấu lại hợp lý. |
Minh Thuận – Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc