Multimedia Đọc Báo in

Vườn Quốc gia Yok Đôn: "Gồng mình" giữ rừng trong mùa khô

09:54, 16/03/2018

Với địa hình bằng phẳng, hệ sinh thái rừng khộp nên cứ vào mùa khô, việc di chuyển trong Vườn Quốc gia Yok Đôn (VQG Yok Đôn) trở nên dễ dàng. Lợi dụng điều này, lâm tặc chọn mùa khô để “ăn” rừng, khiến việc quản lý, bảo vệ rừng ở đây gặp rất nhiều áp lực.

Dưới cái nắng của mùa khô, các con suối trong Vườn thời điểm này phần lớn đã khô cạn, những cây lớn trút hết lá, cây bụi phía dưới chết khô tạo nên vô vàn những lối đi mà xe máy, xe đạp hoặc đi bộ có thể dễ dàng di chuyển đến mọi ngóc ngách trong rừng. Đặc trưng này đã tạo điều kiện thuận lợi để lâm tặc vào Vườn khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép ra ngoài.

Ngoài địa hình bằng phẳng dễ dàng cho các loại phương tiện vận chuyển lâm sản ra vào, còn có 7 xã vùng đệm, với 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu sống giáp ranh với rừng; đặc biệt, trong đó có buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) với 119 hộ dân, 481 nhân khẩu sống ở trong vùng lõi của Vườn. Trong khi đó, đời sống của người dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Mùa khô phần lớn đất nông nghiệp ở đây không có nước để canh tác, phần lớn người dân nhàn rỗi nên đổ xô vào rừng kiếm thêm thu nhập. Người không có tiền mua sắm phương tiện thì đi làm thuê cho các đầu nậu gỗ hoặc tự mình vào rừng gùi từng khúc gỗ đem ra bán; người có điều kiện hơn thì sắm phương tiện vào rừng. Chính vì vậy, trong thời gian này, dưới cái nóng như chảo rang của rừng khộp mùa khô, lực lượng kiểm lâm của Vườn phải “căng mình” tuần tra, mật phục để ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng.

Những con số thống kê của Vườn cũng đã phần nào nói lên “áp lực” cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây vào mùa khô. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Vườn đã phát hiện 110 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 131 m3 gỗ, 107 phương tiện các loại. Điều đáng lo ngại là trong số những vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện có một số vụ có đông người tham gia, gây thiệt hại về tài nguyên rừng lớn. Đơn cử như vào ngày 16-1, kiểm lâm VQG Yok Đôn tuần tra phát hiện một nhóm người khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 409. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, nhóm người trên đã bỏ lại tang vật bỏ chạy. Sau khi truy đuổi kiểm lâm Vườn đã bắt giữ được đối tượng Ama Lao ở thôn 15 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp), tại hiện trường có 4 cây gỗ giáng hương (nhóm IIA) bị đốn hạ, lâm tặc đã xẻ ra thành 57 lóng gỗ và 9 hộp gỗ với khối lượng hơn 10,5 m3. Quá trình mở rộng điều tra, kiểm lâm VQG Yok Đôn đã phát hiện thêm 16 đối tượng tham gia vào vụ việc này. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Vườn đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Buôn Đôn để xử lý. Tiếp đó, vào ngày 26-1, kiểm lâm VQG Yok Đôn qua tuần tra đã phát hiện tại Tiểu khu 408 có 23 cây gỗ bị chặt hạ, trong đó có 19 cây gõ đỏ (cà te), 2 cây cẩm lai và 2 cây sao. Một số cây gỗ lâm tặc đã xẻ phách và vận chuyển một ít phách ra khỏi hiện trường, khối lượng gỗ còn lại khoảng 44,9 m3. Vụ việc cũng đã chuyển giao cho Công an huyện Buôn Đôn điều tra, xử lý.

Một cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ tại Tiểu khu 408 (Vườn Quốc gia Yok Đôn).
Một cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ tại Tiểu khu 408 (Vườn Quốc gia Yok Đôn).

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tuấn Linh, Quyền Giám đốc VQG Yok Đôn không giấu được lo lắng: “Xung quanh khu vực Vườn hiện nay về cơ bản đã hết rừng, chỉ còn Vườn vẫn còn giữ được những cánh rừng với nhiều loài động thực vật có giá trị kinh tế cao nên tình trạng người dân lén lút vào khai thác diễn ra thường xuyên tạo áp lực rất lớn cho Vườn, nhất là trong mùa khô. Dù đã triển khai tất cả lực lượng, phương tiện hiện có của Vườn để tuần tra, bảo vệ rừng chốt chặn những vị trí trọng yếu, nhưng do mùa khô ở trong Vườn đâu đâu cũng là đường nên rất khó ngăn chặn được hết các hành vi vi phạm”.

Cũng theo ông Linh, phần lớn những đối tượng vi phạm đều có cuộc sống khó khăn, khi bị bắt họ cho rằng: Không vào rừng lấy gỗ thì lấy gì nuôi gia đình. Nên dù bị xử phạt họ vẫn sẽ quay trở lại với nghề rừng, đây chính là một thực tế hết sức nan giải. Để giảm áp lực cho VQG Yok Đôn thì việc tạo sinh kế ổn định cho người dân sống gần rừng hết sức quan trọng, bởi khi có thu nhập ổn định họ không phải sống phụ thuộc vào những sản phẩm từ rừng nữa. Còn như hiện nay, cuộc sống đa phần của người dân xung quanh Vườn vẫn còn khó khăn, vẫn sống dựa vào rừng đương nhiên công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.