Xây dựng nông thôn mới ở Hòa An: Sức bật của lòng dân
Sau 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo kinh tế, xã hội của Hòa An (huyện Krông Pắc) từng bước đổi thay, đời sống người dân dần được nâng cao, đặc biệt là xã đã cán đích nông thôn mới năm 2017.
Khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM (năm 2011), theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM toàn xã chỉ đạt 4 tiêu chí (gồm các tiêu chí điện, y tế, an ninh-quốc phòng, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật). Trong 15 tiêu chí còn lại có những tiêu chí rất khó thực hiện, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến tổ chức sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi…
Là xã thuần nông có 1.950/2.369 ha đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp với 80% dân số sinh sống dựa vào nghề nông nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Do đó, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Hòa An đã xác định xây dựng NTM là cơ hội để quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Ngay khi triển khai chương trình, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng của từng tiêu chí, tổ chức họp công khai lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân ngay từ khi xây dựng Đồ án quy hoạch và Đề án thực hiện.
Một vườn cây phát triển theo hướng bền vững của thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ Thăng Tiến. |
Để khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai, tăng hệ số sử dụng đất, người dân Hòa An đã đưa các giống lúa, ngô mới vào sản xuất, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Tổng sản lượng lúa năm 2014 đạt 3.090 tấn, năng suất bình quân đạt hơn 7,6 tấn/ha, tăng 1,1 tấn/ha so với năm 2010. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng đóng góp khoảng 7 tỷ đồng cùng các HTX, tổ hợp tác đóng chân trên địa bàn cùng ngành Điện xây dựng 2 công trình điện về các thôn để phục vụ sản xuất cho bà con. Nhờ đó, chi phí đầu tư giảm mạnh, nông dân có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, điều chỉnh cây ra hoa trái vụ theo chế độ tưới nước… nên hiệu quả kinh tế được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng liên tục từ 18,9 triệu đồng/năm (2011) lên 28 triệu đồng/năm (2015). Đến cuối năm 2016, toàn xã cơ bản đạt 17/19 tiêu chí NTM, vượt 2 tiêu chí so với kế hoạch đề ra và còn tiêu chí giao thông và thủy lợi chưa thực hiện được. Trong đó, tiêu chí giao thông là tiêu chí khó khăn nhất với tổng chiều dài 125,67 km đường giao thông các loại nhưng mới được cứng hóa 50% so với chỉ tiêu của vùng. Để thực hiện tiêu chí giao thông, ngày 11-7-2017 xã đã tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2017 – 2020 trong đó đẩy mạnh phong trào hiến đất, góp vật liệu, công làm đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Qua đó đã xuất hiện những tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới như gia đình ông Trần Ngọc Liêm và ông Nguyễn Thể ở thôn 6A đã góp công, của để làm tuyến đường dài 240 m theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xi măng còn hai hộ đầu tư cát, sỏi và sự góp công của các hộ dân trong thôn. Từ sự nêu gương đi đầu của hai hộ dân, các thôn, buôn khác cũng tích cực góp công, hiến đất làm đường giao thông và đã cứng hóa hơn 16 km đường các loại với tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 4 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 1 tỷ đồng, ngân sách xã và huy động người dân đóng góp gần 5 tỷ đồng. Tuyến đường trục thôn, buôn đạt chuẩn là 10,64/14,18 km (đạt 75,03%); đường ngõ, xóm 20,88/41,4 km (50,4%); đường trục chính nội đồng 16,24/21,8 km (74,5%). Ngoài ra, người dân cũng nhanh chóng bàn giao 10 ha ruộng để thi công các hạng mục thuộc công trình Krông Búk Hạ, bảo đảm nước tưới chủ động cho hơn 83% diện tích sản xuất nông nghiệp của xã…
Tuyến đường thôn 6A do gia đình ông Nguyễn Thể đóng góp xây dựng. |
Ông Vương Hữu Phúc, cán bộ địa chính trực tiếp phụ trách chương trình xây dựng NTM của xã cho hay, khi mới được giao nhiệm vụ trực tiếp đứng ra thực hiện chương trình này ông rất lo lắng bởi xuất phát điểm của xã thấp. Tuy nhiên, với phương châm lấy dân làm gốc, các hoạt động xây dựng NTM đều có sự tham gia góp sức của nhân dân nên nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Để giữ vững xã đạt chuẩn NTM, chính quyền và nhân dân Hòa An đang tiếp tục cùng nhau củng cố các tiêu chí đã đạt được. Riêng tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, xã đang chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mạnh các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp bền vững theo chuỗi để tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, FLO, 4C nhằm gia tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong 7 năm qua của xã Hòa An là hơn 301,4 tỷ đồng. Trong đó huy động nhân dân đóng góp và tự đầu tư hơn 254,2 tỷ đồng (chiếm 84,3% tổng số vốn của toàn xã), ngân sách huyện hơn 25 tỷ đồng (8,3%); ngân sách tỉnh gần 20,7 tỷ đồng (6,8%); ngân sách xã hơn 1,3 tỷ đồng (0,4%). |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc