Buôn Ma Thuột hướng đến đô thị xanh và bền vững (Kỳ 1)
Buôn Ma Thuột là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhất trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội cho đô thị này theo đường hướng nào là vấn đề đáng quan tâm.
Kỳ 1: Từ góc nhìn hiện hữu
Đến nay, TP. Buôn Ma Thuột hiện ra với đầy đủ những “gam màu” sáng – tối đan xen dưới góc nhìn quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị hiện hữu. Có thể nói, từ những góc nhìn ấy sẽ phần nào cho thấy cái được và chưa được trong quá trình phát triển của đô thị đóng vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên.
Sáng rõ bức tranh đô thị
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho đô thị còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chính quyền thành phố đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc huy động nguồn lực đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, điều kiện sống của người dân, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển chung của Đắk Lắk trong thời gian qua.
Số liệu từ UBND TP. Buôn Ma Thuột cho thấy tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hằng năm của thành phố (giai đoạn 2015 – 2017) ước khoảng 7.000 tỷ đồng, mức cao nhất so với các đô thị trong khu vực Tây Nguyên. Nguồn vốn này phần lớn tập trung đầu tư mở rộng kết cấu cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Từ nguồn lực đầu tư to lớn ấy đã tạo động lực thúc đẩy mức tăng trưởng hằng năm của thành phố đạt gần 12,5%, đóng góp hơn 42% GDP toàn tỉnh; Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân cả nước là 50 triệu đồng/người/năm.
Đô thị Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. |
Từ mặt bằng chung ấy, chính quyền và người dân Buôn Ma Thuột đã đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa lên mức 65%, cao hơn mức trung bình của khu vực Tây Nguyên là 58%. Tức là trên tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố hiện nay là hơn 377 km2, thì đã có gần 200 km2 được đô thị hóa. Theo ông Nay Phi La – Chủ tịch HĐND TP. Buôn Ma Thuột, tốc độ đô thị hóa ở đây được thể hiện cụ thể và sinh động trên một số tiêu chí cơ bản như 98% tuyến giao thông nội - ngoại thành được nhựa hóa và chiếu sáng, tỷ lệ cây xanh đạt hơn 8 m2/người và khoảng 80% hộ dân được sử dụng nước sạch. Đặc biệt là công tác chỉnh trang đô thị ngày càng được quan tâm đẩy mạnh bằng việc quản lý, quy hoạch chỉ giới lòng lề đường, vỉa hè trên hầu hết 220 tuyến phố nội thành; hoàn thiện và phát huy năng lực thu gom nước thải và rác sinh hoạt trên địa bàn thông qua dự án cấp thoát nước do Đan Mạch tài trợ. Nhờ những nỗ lực vượt bậc ấy mà bộ mặt đô thị Buôn Ma Thuột đã được cải thiện một cách đáng kể và ngày càng trở nên xanh – sạch – đẹp – văn minh hơn.
Còn bất cập
Bên cạnh những gam màu sáng rõ ấy thì trong quá trình đô thị hóa diễn ra ở đây vẫn còn bộc lộ những “khoảng tối” cần được quan tâm, khắc phục. Theo ông Lâm Tứ Toàn , Giám đốc Sở Xây dựng, từ chủ trương khai thác tối đa quỹ đất đô thị nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội trong thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, Nhà nước đã phân lô bán nền cho các tổ chức, doanh nghiệp cũng như người dân tự ý xây dựng trong nhiều năm qua đã làm nên bộ mặt đô thị Buôn Ma Thuột hiện tại.
Khách sạn DAKRUCO, điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đầu tiên của TP. Buôn Ma Thuột. |
“Điều dễ thấy nhất tại các khu đô thị mới quy hoạch và xây dựng là quỹ đất không được tính toán, bố trí một cách phù hợp, dẫn đến hiện trạng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường, điện, hệ thống cáp quang, cấp thoát nước… phục vụ đời sống dân sinh trong vùng gặp không ít khó khăn”.
Kiến trúc sư Nguyễn Phú Hữu
|
Ngoài khu vực trung tâm, bao gồm những tuyến phố cũ và mới được kết nối theo hai trục Đông – Bắc, Tây – Nam đã định hình rõ nét về mặt kiến trúc, cảnh quan…thì nhiều nơi khác đang trên đà mở rộng và đô thị hóa từng ngày. Đường sá mở ra đến đâu thì công trình xây dựng (cơ quan, công sở, nhà ở) mọc lên đến đó – và có lúc, có nơi chủ thể đầu tư đã bất chấp quy hoạch, lẫn chế tài được ban hành của chính quyền thành phố trong lĩnh vực xây dựng, khiến cơ sở hạ tầng rơi vào tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ, dẫn đến hệ quả là cảnh quan, kiến trúc đô thị bị xuống cấp, không mang dấu ấn bản sắc riêng.
Nhiều người cho rằng công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn gặp nhiều lúng túng. Ví như tại một số khu đô thị mới ở các phường Tân An, Tân Lợi, Thành Nhất, Tự An, Ea Tam… khi xác lập quy hoạch thì những người có trách nhiệm cũng như cơ quan chuyên môn không biết phải lựa chọn hướng đi nào: Một đô thị văn hóa – sinh thái, hay một đô thị mở cho công nghiệp, dịch vụ và thương mại nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển trong tương lai? Vì vậy, nói như kiến trúc sư Nguyễn Phú Hữu (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk) – vẫn có cảm giác đang thiếu “chiếc gậy” pháp lý để dẫn dắt và giám sát chung trên lĩnh vực vốn phức tạp và nhạy cảm này. Theo ông Hữu, cho đến nay việc xác lập kiểu mô hình đô thị ở Buôn Ma Thuột đang đứng trước những thách thức và sự lựa chọn đầy khó khăn, nếu không nói là có lúc, có nơi bị bỏ rơi, dẫn đến tình trạng nhiều khu phố mới mở ra đã trở nên bất cập trước yêu cầu thực tế.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc