Multimedia Đọc Báo in

Chỉ số PCI - Còn nhiều nỗi lo

07:03, 07/04/2018

Trong những năm qua, Đắk Lắk đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thế nhưng Chỉ số PCI năm 2017 của tỉnh đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Trong bảng xếp hạng PCI 2017, Đắk Lắk đạt 62.19 điểm, xếp hạng 31 toàn quốc và xếp hạng 2 ở khu vực Tây Nguyên, nằm ở nhóm trung bình. So với năm 2016, chỉ số PCI của Đắk Lắk tăng từ 58.62 điểm lên 62.19 điểm, nhưng thứ hạng lại giảm từ 28 xuống 31 do các tỉnh có sự tăng điểm đáng kể. Một số chỉ số thành phần của tỉnh tăng điểm như Tiếp cận đất đai (tăng từ 6,01 điểm lên 6,89 điểm); Chi phí không chính thức (từ 4,41 điểm lên 4,88 điểm); Cạnh tranh bình đẳng (từ 5,06 điểm lên 6,39 điểm); Tính năng động của lãnh đạo tỉnh (từ 5,04 điểm lên 5,38 điểm); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (từ 5,92 điểm lên 6,8 điểm); Đào tạo lao động (từ 5,8 điểm lên 6,14 điểm); Thiết chế pháp lý (từ 5,29 điểm lên 5,84 điểm). Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy nỗ lực nhất định trong cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Thế nhưng, trong khi các chỉ số thành phần trên tăng điểm nhẹ thì một số chỉ số thành phần quan trọng khác, có ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư lại giảm là Tính minh bạch (giảm từ 6,36 xuống 6,34 điểm); Chi phí thời gian (giảm 6,05 điểm xuống 6,02 điểm) và nhất là Chỉ số Gia nhập thị trường giảm khá sâu (giảm từ 8,66 điểm xuống 6,99 điểm).

Các nhà đầu tư tìm hiểu sản phẩm đặc trưng của Đắk Lắk tại một hội nghị xúc tiến đầu tư.
Các nhà đầu tư tìm hiểu sản phẩm đặc trưng của Đắk Lắk tại một hội nghị xúc tiến đầu tư.

Những chỉ số thành phần giảm điểm là rất đáng quan ngại bởi những chỉ số này phản ánh   sự nỗ lực hay không nỗ lực của nhiều cấp, ngành khác nhau. Đơn cử như chỉ số giảm sâu nhất là Gia nhập thị trường tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian đăng ký doanh nghiệp, thời gian chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, thời gian đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh thông qua bộ phận một cửa... và được đánh giá từ khi nhà đầu tư có ý định đầu tư đến khi chính thức hoạt động.

Mới đây, tại phiên họp thường kỳ triển khai nhiệm vụ quý II-2018, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đinh Xuân Hà phân tích, do chỉ số Gia nhập thị trường đòi hỏi cả quá trình dài nên chỉ cần “mắc” ở một khâu nào đó, ý định của nhà đầu tư không thành hiện thực, đồng nghĩa với “gia nhập thị trường” thất bại. Do đó, muốn cải thiện chỉ số này, đòi hỏi tất cả các cấp, ngành liên quan đều phải “thông”.

Một vấn đề đáng lo khác là mặc dù liên tục tăng – giảm qua các năm, nhưng ít khi Chỉ số Gia nhập thị trường lại giảm mạnh như năm 2017 (mất 1,67 điểm). Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp dù liên tục được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo nhưng rõ ràng là cấp thực thi đang có vấn đề. Dẫn chứng vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương cho hay, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư có ý định đến Đắk Lắk đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các bộ phận nghiệp vụ của ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ để nhà đầu tư hoàn thành thủ tục, nhưng khi đi vào thực tế thực hiện lại vướng ở địa phương nào đó nên nhà đầu tư lại “bỏ đi”. 

Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột.
Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột.

PCI được xem là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Mục tiêu của tỉnh là nâng cao Chỉ số PCI gắn với mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung. Tỉnh phấn đấu đưa Chỉ số PCI đến năm 2020 thuộc top 10 của nhóm các tỉnh xếp thứ hạng khá trong toàn quốc. Trong lộ trình thực hiện mục tiêu trên, năm 2017 được xem là năm “bản lề” để tạo nên sự bứt phá, nhưng với kết quả như trên đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành trong tỉnh.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.