Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Cư Kuin: Giải pháp nào để bứt phá?

08:48, 03/04/2018

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư Kuin nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “rào cản” trong việc mở rộng diện tích chuyển đổi.

Tích cực chuyển đổi

Theo Phòng NN-PTNT huyện, trên địa bàn Cư Kuin hiện có khoảng 700 ha lúa bấp bênh về nguồn nước (gồm 200 ha bị ngập úng và 500 ha bị thiếu nước) cần được chuyển đổi. Từ 2017 đến nay, trên địa bàn huyện đã chuyển được 150 ha đất lúa bấp bênh sang trồng cây hoa màu có hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình tiêu biểu như trồng đậu xanh trên đất lúa (ở thôn 4, xã Cư Êwi) trên diện tích 1 ha, đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, năng suất đạt 2,2 tấn/ha và giá bán từ 22.000 – 24.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với giá lúa. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, nông dân trên địa bàn xã đã nhân rộng trên diện tích 80 ha. Hay mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên ruộng lúa bấp bênh nguồn nước sang trồng cây ngô lai tại thôn 5, xã Cư Êwi, với quy mô 1,1 ha. Hiện vườn cây đang phát triển rất tốt, năng suất ước đạt 7-8 tấn và ưu điểm nhận thấy rõ của mô hình là việc sử dụng nguồn nước cho cây ngô ít hơn khoảng 1/3 so với lúa. Ngoài mô hình trình diễn thì bà con cũng đã nhân rộng được khoảng 50 ha. Trạm Khuyến nông huyện cho biết, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây trồng cạn không những cho hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa mà còn giảm áp lực về nước tưới, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu phục vụ chăn nuôi trên địa bàn.

Cán bộ nông nghiệp huyện Cư Kuin trao đổi kỹ thuật với hộ trồng nhãn trên địa bàn xã Ea Hu.
Cán bộ nông nghiệp huyện Cư Kuin trao đổi kỹ thuật với hộ trồng nhãn trên địa bàn xã Ea Hu.

Bên cạnh đó, ở những vùng đất khô cằn trên địa bàn huyện, bà con cũng đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như nhãn, chuối Nam Mỹ, cam, quýt… Hộ anh Lê Đăng Bình (thôn 6, xã Ea Hu) cho biết, 8 sào đất của gia đình trước đây trồng tiêu và cà phê, tuy nhiên do đất không phù hợp (ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa khô) nên vườn tiêu chết dần chết mòn. Sau đó qua tìm hiểu qua các loại cây ăn trái, anh thấy cây nhãn ít người trồng nên từ năm 2013-2014, anh phá vườn tiêu và chuyển sang trồng thử 800 gốc nhãn. Đến năm 2017, vườn cây phát triển rất tốt và đã cho bói được 5 tấn quả. Năm 2018, sản lượng ước đạt 10 tấn, với giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg thì năm nay gia đình anh thu về khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn chiết cành để bán giống cho các huyện lân cận nhằm tăng thêm nguồn thu từ 60-100 triệu đồng/năm. Dự định thời gian tới anh sẽ mở rộng diện tích thêm 5 sào và tìm một số giống cây ăn trái khác trồng thêm để bảo đảm nguồn thu ổn định.

Chưa kết nối được chuỗi giá trị

Phòng NN-PTNT huyện cho biết, mặc dù hiệu quả chuyển đổi rất tốt,  nhưng việc kết nối theo chuỗi, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm vẫn hết sức khó khăn. Hiện các loại nông sản vẫn chủ yếu bán cho thương lái, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu cho nông dân. Đơn cử như chuối Nam Mỹ, người dân trên địa bàn huyện cũng đã tự chuyển đổi vườn tạp sang trồng chuối được khoảng 4 sào, nhưng khi có sản phẩm bán thì giá chuối lại xuống thấp, nếu trước đây 150 nghìn đồng/buồng thì bây giờ còn 80.000 đồng/buồng. Điều đáng nói là công ty bán giống cho nông dân hứa sẽ bao tiêu sản phẩm, nhưng khi giá xuống thấp thì công ty cũng biệt tăm tích, người dân không liên lạc được. Hiện nông dân đang loay hoay tìm đầu ra. Hay với cây dưa hấu cũng nằm trong tình trạng tương tự, mặc dù hiệu quả cao do điều kiện, khí hậu, đất đai (bãi bồi ven sông) rất phù hợp cho loại cây này phát triển, nhưng đầu ra lại không ổn định nên hằng năm Phòng NN-PTNT không dám giao chỉ tiêu và không khuyến khích người dân mở rộng diện tích mà chỉ ghi nhận diện tích bà con thực hiện được. Ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho hay, huyện đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhưng khâu cuối của chuỗi còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp. Vì vậy, Phòng chưa mạnh dạn khuyến khích người dân mở rộng diện tích chuyển đổi vì sợ không có đầu ra cho bà con. Để tháo gỡ phần nào “nút thắt” này, hiện Phòng đã thực hiện một số giải pháp linh hoạt về cơ cấu giống cây trồng theo điều kiện đất đai, nguồn nước, tập quán sản xuất; hình thành các vùng sản xuất tập trung; tiếp tục chuyển giao kỹ thuật canh tác, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng chuyển đổi…

 Vườn nhãn của hộ anh Lê Đăng Bình (thôn 6,  xã Ea Hu).
Vườn nhãn của hộ anh Lê Đăng Bình (thôn 6, xã Ea Hu).

Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn đạt hiệu quả cao, Phòng NN-PTNT cho rằng, chính quyền huyện và các xã cần vào cuộc cùng với ngành Nông nghiệp để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, tạo thị trường ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Có như vậy mới khuyến khích người dân mở rộng diện tích chuyển đổi theo hướng bền vững.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.