Multimedia Đọc Báo in

Ea Blang về đích nông thôn mới nhờ sự đồng thuận

07:57, 09/04/2018

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sau hơn 6 năm thực hiện, đến nay xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ) đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo đúng lộ trình đề ra.

Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM vào năm 2011, Ea Blang có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí NTM, gồm tiêu chí 1 (quy hoạch và thực hiện quy hoạch); tiêu chí 3 (thủy lợi cơ bản đáp ứng được sản xuất và dân sinh); tiêu chí 4 (95% hộ sử dụng điện an toàn); tiêu chí 9 (nhà ở dân cư); tiêu chí 15 (y tế). Toàn xã có 5 thôn, 2 buôn, với 730 hộ dân gồm 3.189 nhân khẩu. Là một xã thuần nông, phát triển loại hình kinh tế hộ gia đình là chủ yếu; hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm; lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa xã đã xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…

Tuyến đường bê tông hóa ở thôn Đông Xuân.
Tuyến đường bê tông hóa ở thôn Đông Xuân.

Xác định muốn xây dựng NTM thành công phải có sự đồng hành của người dân, vì vậy, việc công khai minh bạch, tăng cường tuyên truyền, vận động để dân hiểu và tự nguyện tham gia là mục tiêu đặt ra của Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã. Ông Nguyễn Tú Toàn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Ea Blang cho biết, sau khi được lựa chọn là xã điểm trong xây dựng NTM của thị xã, bám sát nghị quyết của Đảng ủy, HĐND và các ý kiến chỉ đạo của cấp trên, lãnh đạo xã đã phối hợp triển khai nhiệm vụ cụ thể để từng thôn, buôn thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt với mục tiêu “dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó”.

Nhờ sự đóng góp tích cực của nhân dân, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đã được đồng bộ hóa, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn. Điển hình là tuyến đường bê tông ở thôn Đông Xuân có chiều dài 500m, ngang 3m được xây dựng hoàn thành trong 1 tháng, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, bằng 100% vốn đóng góp của 72 hộ dân trong thôn. Ông Lê Quang Xuân, một người dân trong thôn chia sẻ, việc huy động đóng góp để làm đường giao thông được bà con rất hoan nghênh, có đường bê tông sạch đẹp giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn trước rất nhiều. Với sự đồng thuận của người dân và hỗ trợ của Nhà nước, hiện 100% trục đường liên thôn, xã đã được bê tông hóa, lắp điện chiếu sáng, góp phần làm cho bộ mặt của xã khang trang, sạch đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm.

Mô hình xen canh nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Bùi Văn Ân ở thôn Quyết Thắng.
Mô hình xen canh nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Bùi Văn Ân ở thôn Quyết Thắng.

Cùng với việc phát huy nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, để có những bước đi vững chắc, cán bộ và nhân dân trong xã đã tập trung phát triển kinh tế. Qua  phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Ân (thôn Quyết Thắng), trước đây chỉ trồng thuần cà phê trên diện tích 2,6 ha, nên hiệu quả mang lại không cao. Qua các buổi tập huấn nông nghiệp do Hội Nông dân xã tổ chức, năm 2013 ông quyết định đầu tư xen canh 800 trụ tiêu và 140 cây sầu riêng với tỷ lệ hợp lý. Nhờ vậy  sau 3 năm, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích tăng cao, cho gia đình ông thu nhập trung bình trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Ân cho hay, nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã được đầu tư hoàn thiện tạo thuận lợi trong sản xuất, cùng với sự chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, có điều kiện đóng góp cùng với cộng đồng xây dựng NTM. Đến nay, 40% số hộ trên địa bàn xã đã áp dụng các mô hình xen canh đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp đời sống người dân được cải thiện.

Ông Trần Chí Trực, Chủ tịch UBND xã Ea Blang cho biết, với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, trong hơn 6 năm qua xã đã đầu tư trên 34,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM và đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí theo đúng kế hoạch đề ra. Trong đó một số tiêu chí quan trọng đạt mức cao như: thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%...

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.