Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN huyện Buôn Đôn: Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp

09:06, 02/04/2018

Từ những ý tưởng khả thi, nhiều hội viên phụ nữ huyện Buôn Đôn đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện hỗ trợ vay vốn, tạo cơ hội phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Quý, hội viên chi hội thôn Hòa Phú (xã Ea Nuôl) là một điển hình trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trước đây, gia đình chị Quý có một sào đất để trồng rau nhưng đầu ra bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy nguy cơ gây độc hại từ trồng rau sử dụng phân bón, thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình và người tiêu dùng, nên chị Quý tìm đến các nhà vườn ở Đà Lạt học cách trồng rau an toàn. Nắm bắt được nguyện vọng của chị Quý, Hội LHPN xã Ea Nuôl đã động viên chị mạnh dạn chuyển đổi sang phương thức trồng rau an toàn bằng nhà lồng, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Tháng 5-2016, Hội LHPN huyện Buôn Đôn trao nguồn vốn khởi nghiệp trị giá 10 triệu đồng (thời hạn hoàn vốn là 3 năm) cho gia đình chị Quý để trồng 3 sào rau trong nhà lồng, xây dựng hệ thống tưới nước tự động với tổng số vốn đầu tư là 60 triệu đồng.

Vườn rau của gia đình chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Hòa Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn).
Vườn rau của gia đình chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Hòa Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn).

Các loại rau được chị Quý trồng nhiều là xà lách, cải ngọt, cải xanh, rau muống... Không chỉ cung cấp tại địa phương, nhiều người “biết tiếng” còn tìm mua rau của vườn nhà chị Quý gửi cho người thân ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Huế... Chị Quý chia sẻ: “Làm rau sạch đòi hỏi sự kiên trì và có tâm. Có thời điểm rau khan hiếm, giá thành cao, nhiều người khuyên tôi phun thuốc kích thích để nhanh có rau bán kiếm lợi nhuận, nhưng tôi không làm, phải giữ uy tín thì mới tồn tại lâu dài”. Chính vì vậy, chỉ sau 8 tháng trồng rau trong nhà lồng, chị Quý đã thu hồi và trả lại vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng cho Hội. Hiện nay, thu nhập bình quân từ trồng rau sạch của gia đình chị Quý đạt từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Gia đình chị còn chăn nuôi gà, heo để có thêm thu nhập, nhờ đó kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt.

Không trông chờ nguồn vốn hỗ trợ của Hội LHPN huyện, Hội LHPN các xã của huyện Buôn Đôn đã vận động hội viên chung tay góp sức cùng chị em có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống. Từ đây, nhiều mô hình kinh tế đã và đang phát huy hiệu quả, tạo thu nhập cho gia đình hội viên, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bà Sao Nang Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Na cho biết: “Hội LHPN xã đã vận động hội viên hỗ trợ cho hai trường hợp khó khăn (2 triệu đồng/người) có vốn để buôn bán, bước đầu đem lại thu nhập ổn định. Ngoài ra, Hội còn tập hợp những người có cùng chí hướng thành lập mô hình sản xuất rượu cần với thương hiệu Đon Kẹ Tý vừa tạo thu nhập cho các thành viên, vừa là nơi giữ gìn, phát huy nghề làm rượu cần truyền thống của đồng bào M’nông”.

Bà Sao Nang Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) bên sản phẩm rượu cần Đon Kẹ Tý.
Bà Sao Nang Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) bên sản phẩm rượu cần Đon Kẹ Tý.

Thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, với nhiều hình thức, các cấp Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn đã vận động được gần 150 triệu đồng, và trao vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 22 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, có một số hội viên đã thành công, trở thành tấm gương cho chị em phụ nữ noi theo. Hội LHPN huyện còn ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện huyện cho chị em mở điểm kinh doanh các mặt hàng gia dụng, bán bảo hiểm. Đơn cử từ tháng 8-2017 đến nay, Hội LHPN xã Ea Nuôl đã xây dựng được 4 gian hàng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bán đồ gia dụng, trong đó 3 gian hàng dành cho hội viên mỗi  tháng thu lãi từ 1 - 2 triệu đồng, còn một gian hàng của Ban Chấp hành Hội LHPN xã thu lãi được 2 triệu đồng. Từ số tiền lãi này, Hội đã mua 200 con gà cấp cho một hội viên khó khăn chăn nuôi. Hay như gian hàng của Ban Chấp hành Hội LHPN xã Ea Bar khai trương tháng 9-2017 đã giúp 4 hội viên với tổng số 15 triệu để khởi nghiệp.

Đồng hành với phụ nữ nghèo trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội LHPN huyện còn kết nối câu lạc bộ “Nữ tiểu thương”, cơ sở thu mua và chế biến nông sản của chị Nguyễn Thị Bình, nhóm Đon Kẹ Tý... để thu mua, tiêu thụ các sản phẩm an toàn do hội viên phụ nữ ở địa phương sản xuất. Theo chị H’Bon Du, Chủ tịch Hội LHPN huyện, mặc dù đã cố gắng, nhưng hành trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ nghèo trên địa bàn còn nhiều khó khăn, bởi đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm... Sắp tới, Hội LHPN huyện sẽ chọn một vài mô hình sản xuất điểm để chị em tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm; tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng  trọt cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, đồng thời duy trì những mô hình tiết kiệm để hỗ trợ cho chị em khởi nghiệp.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.