Huyện Ea H'leo: Xen canh cây trồng nâng cao thu nhập cho nông dân
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Ea H’leo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách áp dụng mô hình trồng xen các loại cây ăn trái trong vườn cà phê, hồ tiêu nhằm tránh rủi ro về giá cả, đồng thời tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Trước đây, với diện tích 3 ha, gia đình ông Trần Văn Thi (thôn 6A, xã Ea Ral) chỉ trồng thuần cà phê. Qua thời gian khai thác, ông Thi nhận thấy mỗi năm trừ tất cả các chi phí, lãi từ cây cà phê đem lại không cao. Năm 2010, ông đã mạnh dạn tham khảo, học hỏi và tìm mua 200 cây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép để về trồng xen. Sau 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, mùa thu hoạch đầu tiên vườn sầu riêng cho năng suất khả quan trên 6 tấn. Với thành công từ xen canh sầu riêng, ông tiếp tục mở rộng trồng xen thêm 200 cây bơ Booth và 400 cây na Thái với tỷ lệ phù hợp. Đến nay, mô hình của gia đình ông phát triển rất tốt và cho thu quả ổn định. Ông Thi chia sẻ, khi xen canh các loại cây ăn trái, cây cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn được “hưởng lợi” phần dinh dưỡng khi bón các loại cây khác. Cùng với đó, cây ăn trái giúp chắn gió và che bóng cho cà phê, tiết kiệm lượng nước tưới trong mùa khô. Với gia đình ông, cây ăn trái là cây xen canh, nhưng hiện tại lại là cây cho thu nhập chính. Mỗi năm, mô hình của ông Thi cho thu 9 tấn cà phê, 15 tấn trái cây các loại, giúp gia đình ông vươn lên khá giả, là một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.
Nhờ xen canh cây trồng hợp lý, vườn cà phê nhà ông Trần Văn Thi (xã Ea Ral) phát triển tốt cho năng suất cao hơn. |
Nhận thấy hiệu quả từ các mô hình xen canh cây trồng, năm 2017, anh Bùi Nhất Hoan (thôn 6, xã Ea Nam) đầu tư trồng hơn 100 gốc chanh dây, 300 cây sầu riêng, mãng cầu, sapoche xen trong vườn tiêu 2,5 ha gồm 3.600 trụ đã trồng trước đó 2 năm, để vừa có cây che bóng, vừa tăng thêm thu nhập. Chia sẻ về cách làm của mình, anh Hoan cho biết, với mô hình này, anh vừa tận dụng được quỹ đất vừa tiết kiệm vốn, lấy ngắn nuôi dài. Trong thời gian chờ các loại cây khác đến kỳ thu bói mất từ 3-4 năm thì chanh dây sau khi trồng 5 tháng đã bắt đầu cho trái, anh tận dụng trụ tiêu làm cọc để làm giàn leo giúp che nắng, giữ độ ẩm cho cả vườn. Vụ mùa vừa qua, với giá chanh dây ổn định, anh thu về 500 triệu đồng, đồng thời cây tiêu cũng cho thu bói gần 5 tấn, thu nhập của gia đình nhờ vậy cũng được nâng cao.
Vườn chanh dây xen hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch mùa vụ mới của anh Bùi Nhất Hoan (xã Ea Nam). |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo, toàn huyện có gần 33.500 ha cây cà phê và hồ tiêu, trong đó, diện tích xen canh chiếm 40%, cây trồng xen canh chủ yếu là các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, cam, chanh, na, mãng cầu… Trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê và hồ tiêu phát triển mạnh. Thực tế cho thấy, xen canh là một phương thức đa dạng hóa cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng thuần. Quan trọng hơn, trồng xen nhiều loại cây bảo đảm cho nông dân không bị thất thu, có cây này bù cây kia, cho thu nhập trải đều trong năm. Tuy nhiên, khi trồng xen, người nông dân cần lưu ý một số các loại sâu bệnh có thể phát triển ở nhiều loại cây nên dễ lây lan từ cây này sang cây khác. Ngoài việc định hướng, khuyến khích, Phòng NN-PTNT huyện cũng thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các xã tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nắm vững kỹ thuật canh tác, áp dụng phù hợp và có hiệu quả cho diện tích nhà mình.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc