Huyện M'Đrắk: Gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới
Một trong những nội dung của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đó là việc phát triển các tổ hợp tác (THT) và các hợp tác xã (HTX). Đây cũng là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, huyện M'Đrắk đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện M'Đrắk có 9 THT và 4 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động của các THT và HTX ngày càng mang lại hiệu quả cao. Tổng thu nhập bình quân của các THT và HTX ước đạt trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, toàn huyện đã xây dựng được 26 trang trại, với diện tích 386 ha; tổng số lao động 265 người; tổng vốn đầu tư trên 23 tỷ đồng; giá trị sản lượng hàng hóa 32,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.
Để tạo sự gắn kết giữa các xã, huyện M'Đrắk đã xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên địa bàn xã Cư Prao và xã Ea Pil với tổng diện tích 138 ha, có 55 hộ dân tham gia. Trong đó, xã Cư Prao có 18 hộ dân tham gia, với 30 ha trồng cây ăn quả như: mãng cầu xiêm Thái Lan, chanh tím Đài Loan, quýt đường; xã Ea Pil có 37 hộ, 108 ha với các mô hình trồng cây nhãn Hương Chi, vải u trứng, vải u hồng, mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi tập trung thâm canh và bán thâm canh trên gà thả vườn BT2. Đến nay, mỗi vùng đã phát huy được lợi thế riêng, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường như sản phẩm nhãn Hương Chi, vải u trứng, vải u hồng...
Nhân dân xã Ea Pil tham gia làm đường nông thôn mới tại thôn 1. |
Cùng với các giải pháp về sản xuất thì địa phương đã triển khai rộng rãi các chính sách tín dụng trong việc phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của nhân dân. Toàn huyện hiện có 60 công trình thủy lợi (trong đó có 50 hồ chứa và 10 đập dâng), đáp ứng được 70% diện tích cây trồng có nhu cầu nước tưới.
Trong thời gian tới, huyện M'Đrắk tiếp tục xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và gắn kết chặt chẽ với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nữa, địa phương chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, nhất là đưa các giống mới có năng suất cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành.
Một mô hình sản xuất công nghệ cao tại xã Cư Prao. |
Phát huy tốt các lợi thế, xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp toàn diện hướng vào mục tiêu chất lượng, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nông dân.
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp huyện M'Đrắk đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến nay, toàn huyện đã đạt 105 tiêu chí nông thôn mới, bằng 46,05%, bình quân đạt 8,75 tiêu chí/xã, trong đó, xã điểm Ea Riêng đạt cao nhất 13 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 5-11 tiêu chí. Các xã đều tăng từ 1 đến 2 tiêu chí mỗi năm. |
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc