Xuất khẩu quý I gặp khó do giá giảm
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh trong quý đầu tiên của năm 2018 đều giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Sở Công thương, quý I-2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh được 128 triệu USD, giảm 24,49% so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giảm cả lượng và giá trị. Điển hình như cà phê nhân xuất khẩu đạt 45.000 tấn, giảm 26,33% về lượng và giảm 40,65% về giá trị; cà phê hòa tan 900 tấn, giảm 26,59% về lượng và giảm 28,34% về giá trị. Tiếp đến là hạt tiêu có giá xuất khẩu giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, với mức bình quân chỉ đạt 3.667 USD/tấn (quý I-2017 hạt tiêu đạt giá 7.153 USD). Do vậy mặc dù sản lượng xuất khẩu đạt 900 tấn, tăng 37,7% về lượng nhưng giảm 47,8% về giá trị....
Đoàn công tác của Hàn Quốc đến thăm nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái. |
Liên quan đến vấn đề phát triển, gia tăng sức cạnh tranh cho cà phê, ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển An Thái cho rằng, cần phải thúc đẩy liên kết giữa các DN trong ngành, không chỉ để tạo nên thương hiệu cà phê vùng, miền mà để “kết” thành một thương hiệu cà phê quốc gia. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cũng cần quan tâm nhiều đến những chính sách mới, hàng rào kỹ thuật của quốc gia đang có giao dịch thương mại... để có hướng điều chỉnh sản xuất phù hợp. |
Nông sản của tỉnh đã xuất đi 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và sản phẩm đều đã được các thị trường chấp nhận. Từ đầu năm đến nay, các nước Đức, Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha... vẫn là những thị trường tiêu thụ chính. Nhiều doanh nghịêp (DN) xuất khẩu khẳng định, thị trường xuất khẩu 3 tháng qua vẫn giữ ổn định, không hề bị thu hẹp, nhưng đang bị áp lực về giá. Điển hình như, giá cà phê 3 tháng đầu năm 2018 tuy tăng nhẹ và cao hơn so với những tháng cuối năm 2017, nhưng lại giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân trong quý 1-2018 chỉ đạt 1.816 USD/ tấn, trong khi quý I-2017 là 2.094 USD/ tấn. Nguyên nhân giá cà phê xuất khẩu giảm là do nguồn cung lớn, trên thế giới lượng cà phê tồn kho của vụ cũ còn tương đối nhiều nên sức mua của các nhà nhập khẩu thấp. Bên cạnh đó, đồng Real Brazil, đồng Euro và đồng Bảng Anh mất giá so với đồng USD cũng góp phần khiến giá cà phê giảm. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển An Thái cho hay, thị trường cà phê đang có biến động lớn về giá, phức tạp hơn những năm về trước. Trước tình hình đó, những nhà xuất khẩu, nhất là DN chế biến như Công ty An Thái đang chú trọng đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian giao hàng để hạn chế rủi ro.
Đoàn Công tác của Nhật Bản đến thăm, tìm hiểu về công nghệ chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái. |
Dự báo về triển vọng xuất khẩu trong quý II, theo cơ quan chức trách và các nhà xuất khẩu của tỉnh, giá xuất khẩu sẽ khó tăng đột biến, nhất là mặt hàng cà phê. Bởi trong quý II, nguồn cung thị trường thế giới sẽ tăng do bước vào mùa thu hoạch cà phê ở nhiều quốc gia. Nhiều dự báo cho rằng, phải sang đến quý III thì giá cà phê mới bật lên.
Để đạt được kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu thời gian tới, các DN của tỉnh luôn đặt mục tiêu phát triển ổn định lên hàng đầu và tìm mọi cách để giữ chân những khách hàng truyền thống. Ngoài ra, theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương , trong bối cảnh hiện tại, ngành công thương quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ, khuyến khích các DN xuất khẩu nông sản có thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sở cũng sẽ tăng cường hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin thị trường, đổi mới công nghệ, phương pháp quản trị...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc